(HNM) - Sau hơn một tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chương trình hành động của Thành ủy về "những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội", đến nay TP Hồ Chí Minh đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Trong tháng 3, TP giữ được tốc độ tăng trưởng GDP 10,4%, trong đó công nghiệp tăng 11%, thương mại dịch vụ tăng 10%. Theo báo cáo của Sở Tài chính, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, TP đã tiết kiệm được hơn 196 tỷ đồng và tạm dừng đầu tư mua sắm mới trang thiết bị văn phòng tới 212 tỷ đồng. TP đã không bố trí vốn cho các công trình khởi công mới để tập trung cho các dự án chuyển tiếp, các công trình trọng điểm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2011.
Tăng cường sản xuất các mặt hàng trong nước để giảm nhập siêu. |
Đối với lĩnh vực tiền tệ, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho ngành ngân hàng triển khai các biện pháp để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%; tổng phương tiện thanh toán khoảng 15%-16%, tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu. Thị trường ngoại tệ tự do trên địa bàn đã lắng dịu, thị trường vàng có chuyển biến ổn định, giá vàng ít biến động hơn. Lãi suất ngân hàng đã ổn định và dừng lại dưới mức 14%, mức lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh phổ biến ở mức 17 đến 18%.
Để bảo đảm an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh đã dành hơn 176 tỷ đồng thực hiện các chính sách chăm lo cho người nghèo, khuyết tật… Trong năm nay, TP sẽ trợ cấp 100.000 đồng/nhân khẩu/tháng cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn; trợ cấp 30.000 đồng/hộ cho các hộ nghèo; trợ cấp 50.000 đồng/người/tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội; trợ cấp 200.000 đồng/tháng với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương từ 3,0 trở xuống. Các quận huyện đã vận động nhiều chủ phòng trọ không tăng giá thuê phòng, giúp đỡ gần 400.000 người lao động, công nhân, sinh viên trong tình hình giá cả mặt hàng leo thang… Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh triển khai Chương trình bình ổn với 3 nhóm mặt hàng: lương thực thực phẩm (9 mặt hàng), thuốc sản xuất trong nước đối với các loại bệnh thông thường và dụng cụ học sinh phục vụ mùa tựu trường năm học 2011-2012. Riêng Chương trình bình ổn 9 mặt hàng lương thực thực phẩm và mặt hàng thuốc chữa bệnh sẽ được thực hiện từ ngày 1-4, tiếp nối chương trình năm 2010 và Tết Nguyên đán 2011. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh cũng được đẩy mạnh và các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội được triển khai rộng rãi, đạt hiệu quả cao.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã chỉ thị cho các ngành, các cấp của TP giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp duy trì phát triển sản xuất kinh doanh; bảo đảm kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân và người nghèo. Đồng thời cần tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền những kết quả tích cực bước đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; triển khai kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân; rà soát, giải quyết dứt điểm các tranh chấp lao động tại các KCN-KCX; tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đặc biệt là tại các chợ truyền thống.
Đối với các sở, ngành, quận, huyện, Chủ tịch UBND TP yêu cầu phải có kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11 một cách cụ thể, thực hiện đồng bộ các biện pháp, trong đó có kiểm soát chặt chẽ thị trường tiền tệ; quyết liệt trong thu hồi các khoản nợ tạm ứng ngân sách; tiết kiệm chi và giảm chi tiêu… Các quận, huyện phải đăng ký chỉ tiêu tiết kiệm điện trên địa bàn, không tổ chức đi du lịch, tham quan nhân dịp hết nhiệm kỳ… Đồng thời cần chăm lo hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, bảo trợ xã hội, diện chính sách có công với cách mạng và người có thu nhập thấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.