(HNM) -
- Thưa ông, chuyến thi đấu vừa qua diễn ra như thế nào đối với đoàn Hà Nội?
- Giải diễn ra từ ngày 11 đến 20-4 tại Đà Nẵng, có sự góp mặt của 233 VĐV thuộc 26 đoàn. Hà Nội tham dự với thành phần gồm 16 VĐV đội tuyển (CLB Đống Đa) và đội trẻ (CLB Mỹ Đình), giành được tổng cộng 2 HCB, 3 HCĐ. Nhưng lẽ ra, thành tích phải hơn thế, nếu không có vấn đề liên quan đến công tác TT…
- Đây chắc hẳn là lý do khiến Hà Nội phải hai lần làm đơn khiếu nại, theo như thông tin chúng tôi nhận được?
- Đúng vậy. Đó là khiếu nại liên quan đến trận đấu tứ kết hạng cân 52kg giữa VĐV Trần Văn An (Hà Nội) và VĐV Phạm Đức Đoàn (Bắc Ninh) ngày 16-4. Cả hai VĐV này đều bị loại sau ba lần cảnh cáo vì lỗi "thi đấu không tích cực" (theo Luật Boxing, nếu VĐV bị TT cảnh cáo ba lần sẽ bị loại khỏi giải). Điều đáng nói, An là gương mặt trẻ rất triển vọng, được kỳ vọng sẽ lọt sâu. Thực tế như những gì tôi trực tiếp chứng kiến, em thi đấu rất tốt, khát khao chiến thắng. Sao có thể có chuyện "thi đấu không tích cực" ở đây?
- Đoàn Hà Nội gửi đơn khiếu nại, kết quả ra sao, thưa ông?
- Ngày 17-4, chúng tôi nhận được văn bản trả lời của BTC nhắc lại lý do rất chung chung và đầy cảm tính là "lỗi thi đấu không tích cực". Không có "mổ băng" xác minh, không có đánh giá của giám sát theo Luật Boxing.
Hà Nội gửi đơn khiếu nại lần hai, đề nghị BTC, TT, hai đoàn Hà Nội, Bắc Ninh họp xác minh trận đấu qua băng ghi hình (của BTC hoặc của Hà Nội) để xem xét quyết định của TT. Nhưng khiếu nại này không được giải quyết, mặc dù có hẳn một ngày nghỉ sau đó. Tại sao BTC lại "làm ngơ", không làm theo luật định?
- Quả là sẽ rất thiệt cho VĐV nếu TT nhận định sai nhưng lại thiếu sự thẩm định, kiểm tra của Ban giám sát…
- Đây chỉ là trường hợp cụ thể. Thực tế, còn rất nhiều thắc mắc liên quan đến công tác TT. Ví như hiệp 1 trận chung kết hạng 49kg giữa Nguyễn Gia Kiên (Hà Nội) và Huỳnh Ngọc Tân (Quân đội), Kiên đánh rất tốt, nhưng kết quả lại bị thua 1-3, khiến em bị ức chế tâm lý và đành chấp nhận thất bại chung cuộc. Hay như một trận đấu giữa VĐV của Nam Định và Bà Rịa - Vũng Tàu, VĐV Nam Định chơi rất tốt, nhưng rốt cuộc vẫn bị xử thua… Nhận định cá nhân có thể đúng, có thể sai, nhưng điều quan trọng, chúng ta không thể không làm theo luật, xem xét băng ghi hình, bảo đảm quyền lợi VĐV.
- Nếu không, sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường - đó là sự mất niềm tin của HLV, VĐV, kể cả khán giả…
- Đó là điều tôi lo nhất. Đào tạo một VĐV mất 5-10 năm với bao công sức đầu tư, tiền của của Nhà nước, nhưng rất có thể bị mất VĐV chỉ vì sự thiếu chuyên nghiệp của một vài cá nhân. Nhiều HLV, VĐV đã bỏ nghiệp đỉnh cao chỉ vì những sự tắc trách kiểu này. Cách làm hiện tại rất có thể xảy ra tình trạng bao che cho TT làm sai, hoặc TT làm theo một mục đích nào đó không lành mạnh, gây bất bình cho HLV, VĐV.
Hà Nội là một đơn vị mạnh về boxing, từng có VĐV giành HCV giải trẻ Châu Á, HCB SEA Games, vô địch Đông Nam Á. Tình trạng bị xử ép tái diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của boxing Hà Nội nói riêng và boxing Việt Nam nói chung. Rất cần phải thay đổi cách làm hiện tại.
- Cảm ơn ông về những chia sẻ này.
Cần phải có Ban Giám sát hoạt động độc lập với Ban Trọng tài Đó là điều cần thiết để công tác điều hành các giải đấu boxing đúng luật và công minh theo luật của Liên đoàn quyền Anh quốc tế (AIBA). Như vậy, khi có khiếu nại đối với trọng tài, Ban Giám sát có thể vào cuộc, đưa ra kết luận chính xác nhất, bảo đảm quyền lợi VĐV. Điều 12.3.1 Luật Boxing quy định: Khi trọng tài có một quyết định ngược với các chương, điều trong Luật AIBA, Ban Giám sát có thể sử dụng băng ghi hình trận đấu để xem xét, xác minh. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.