Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2009: “Hạt lại gieo cho mùa sau”

Thi Thi| 01/02/2010 07:06

(HNM) - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cuối cùng chỉ tìm được một tác phẩm thuộc thể loại tiểu luận phê bình "Tản mạn nghiệp văn" của Đinh Quang Tốn để trao giải thưởng chính thức. Thêm một tác phẩm văn xuôi "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của Nguyễn Nhật Ánh được tặng thưởng của BCH. Một mùa không bội thu của một giải thưởng văn học lớn, để "hạt" hy vọng này lại phải tiếp tục gieo cho mùa sau…

Chất lượng chưa đồng hành cùng số lượng

Cục Xuất bản cho biết, sách văn học năm 2009 không chỉ vượt so với 2008 (125% về số cuốn và 114,3% về số bản) mà còn là mảng tăng mạnh nhất so với 3 mảng sách cũng phát triển khác.

Tuy nhiên, nhìn lại những tác phẩm văn học ấn tượng của năm 2009 thì chưa như mong đợi, ngay cả các tác phẩm đoạt giải của Hội Nhà văn hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sự ảnh hưởng tới đời sống bạn đọc chưa mạnh mẽ.

Tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” tại các hiệu sách. Ảnh: Đàm Duy

Sự kiện cuối cùng là Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2009 công bố vào đầu năm 2010 này cho thấy tới 3 mảng của văn học không có đại diện tiêu biểu nào, là tiểu thuyết, thơ, văn học dịch. Trao đổi với Hànộimới, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Tuy là giải thưởng của một năm nhưng cũng phải có chuẩn mực. Hội đồng phân tích rất kỹ: về thơ, tập thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh khá hơn, nhưng giá trị chưa thật tiêu biểu để nhận giải. Về văn xuôi, các tập truyện ngắn năm nay cơ bản bình thường; tiểu thuyết thì gần như bị hút hết vào cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn, vào chung khảo có tác phẩm khá nhưng để trao giải thì còn mặt này mặt khác chưa được.

Như vậy, nếu nhìn nhận giải thưởng này là một hoạt động nghề nghiệp nghiêm túc, chính thống thì rõ ràng đây là một biểu hiện của chất lượng chưa đồng hành cùng số lượng. Sách văn học có thể xuất bản mạnh (do nhiều yếu tố: thị hiếu người đọc phong phú, xuất bản và phát hành thoáng hơn, người viết trẻ nở rộ…) nhưng tác phẩm được đông đảo người đọc lẫn giới chuyên môn đánh giá cao thuộc diện hiếm.

Giải thưởng không chỉ để khuyến khích

Ngay từ khi Hội đồng Thơ đề nghị để khuyết Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm nay, nhà thơ Vũ Quần Phương đã khẳng định đó là nhằm "phấn đấu nâng cao chất lượng thơ, thể hiện ý chí của người viết và đòi hỏi cao của bạn đọc".

Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh thì giải thưởng để tôn vinh giá trị tác phẩm, không phải chỉ để khuyến khích. Nếu chỉ khuyến khích ta có nhiều hình thức khác (đầu tư sáng tác, giới thiệu tác phẩm…). Giải thưởng năm nay có thể không "sum suê", nhưng Hội đồng Chung khảo đã làm việc nghiêm túc, không đặt vấn đề thành tích lên trên hết, quan trọng là tôn trọng quy trình, quy chế xét giải và theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Thực tế, nếu phấn đấu theo đúng hướng này thì giải thưởng sẽ có ý nghĩa đầy đủ hơn. Trước hết, nó góp phần phát hiện, tạo dấu ấn khởi đầu tốt đưa tác phẩm đến với đời sống. Mới đây, tại một hội thảo văn học ở Trung tâm Văn hóa Pháp, GS Brigitte (ĐH Maine Pháp) đã cảnh báo hiện tượng mâu thuẫn giữa xuất bản và văn học ở Pháp và nhiều nước khác: Xuất bản phát triển, nhưng tác phẩm văn học ít chỗ đứng, đời sống một cuốn sách văn học quá ngắn ngủi, ra đời không bao lâu, không bán được, tồn kho, thậm chí bị nghiền nát. Trong đó biết đâu có những tác phẩm giá trị đã không đủ thời gian để được phát hiện, có chỗ đứng trong đời sống?

Giải thưởng xứng đáng cũng là một nguồn sinh lực lớn đối với nhà văn, cho dù khi đặt bút không ai nghĩ tới điều ấy. TS Nguyễn Thị Từ Huy với cuốn LLPB "Sự thật và diễn giải" được chú ý gần đây cũng cho rằng chị không trông đợi vào các giải thưởng; là người nghiên cứu, người viết thì trước hết chỉ biết hết mình với công việc. Nhiều nhà văn coi viết lách là công việc "cô đơn", như "mài gươm dưới trăng" kiên trì và lặng lẽ. Rõ ràng, nhà văn chỉ biết viết, nhưng tác phẩm thì cần được quảng bá vì trong nó có cả yếu tố thị trường.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, các giải thưởng văn học tư nhân đang phát triển, với các tiêu chí xét chọn khác nhau. Bên cạnh mặt tích cực, không thể không tính tới những hạn chế về giá trị lâu dài khi "nhà đầu tư" cuối cùng vẫn phải hướng tới mục tiêu kinh doanh. Nhà văn Phillipe Claudel (Pháp) khi tới Việt Nam cũng từng nói: Ở Pháp có hàng nghìn giải thưởng văn học, nhưng trong đó cũng chỉ có số ít giải thưởng uy tín.

Lễ trao giải thôi không đủ

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam - một tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp rõ ràng cần trở thành một giải thưởng chất lượng và đặc biệt là phải có tác động rộng rãi trong đời sống. Nhưng hiện nay hầu như giải thưởng đang dừng lại ở một vài thông tin trên báo, sau cùng là lễ trao giải. Tác phẩm sau khi đoạt giải hầu như không "mũ, áo" giới thiệu, nằm im ắng lẫn giữa hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách khác. "Ngôi nhà xưa bên suối" của Cao Duy Sơn, tập truyện thú vị, từng đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á nhưng có bìa sách đơn giản đến đáng tiếc.

Để giải thưởng của hội thực sự có thương hiệu, xét giải tốt thôi có lẽ là chưa đủ trong bối cảnh công nghệ phát hành, quảng bá phát triển mạnh như hiện nay. Hội Nhà văn Hà Nội cũng thừa nhận đây là một mặt cần bổ sung trong hoạt động của giải thưởng. Trong khi đó nhiều đơn vị tư nhân đang làm khá tốt việc này: Chủ động giới thiệu ngay từ vòng sơ, chung khảo; tổ chức trao giải, tọa đàm; phát hành sau khi tác phẩm đoạt giải. Đã đến lúc cần mở rộng sự hợp tác giữa Hội Nhà văn với các NXB, đơn vị phát hành để đưa các tác phẩm đoạt giải đến với bạn đọc nhanh nhất, ấn tượng nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2009: “Hạt lại gieo cho mùa sau”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.