Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

Tuệ Diễm| 24/08/2018 07:05

(HNM) - Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại và hòa giải thương mại là một trong những phương thức thay thế tòa án được áp dụng phổ biến trong hoạt động thương mại toàn cầu. TP Hồ Chí Minh có đông đảo đội ngũ trọng tài và hòa giải viên nên có thể giải quyết nhanh các tranh chấp thương mại bằng phương thức này.


Sự ra đời của Luật Trọng tài thương mại và Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24-2-2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại đã tạo cơ chế pháp lý tốt cho hoạt động của trọng tài và hòa giải thương mại ở nước ta. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều tổ chức trọng tài thương mại lần lượt ra đời như Trung tâm Trọng tài tài chính Việt, Chi nhánh Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Trung tâm Trọng tài thương mại Thịnh Trí... Theo thống kê của Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn có 496 trọng tài viên tham gia hoạt động tại 17 trung tâm trọng tài thương mại và chi nhánh; có 19 hòa giải viên thương mại đăng ký tại Sở Tư pháp thành phố.



Nhờ có đội ngũ đông đảo nên các vấn đề tranh chấp thương mại được giải quyết nhanh hơn. Hiện quy trình giải quyết thủ tục tranh chấp thương mại tại Việt Nam ở tòa án mất trung bình 400 ngày; trong khi nếu giải quyết bằng trọng tài thương mại doanh nghiệp chỉ mất tối đa 150 ngày, có trường hợp đã giải quyết xong trong vòng 24 ngày. Bà Mai Tuyết Hạnh, Phó Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Năm 2017, các tổ chức trọng tài thương mại tại TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 367 vụ việc, trong đó có 268 vụ việc đã có phán quyết trọng tài được thi hành, 10 vụ đã hòa giải thành công, 87 vụ đang được tiếp tục giải quyết và 2 vụ việc tòa án hủy phán quyết của trọng tài".

Theo ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), năm 2017 đã có 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có các bên yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại qua VIAC. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ, Singapore là những quốc gia có số doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp tại VIAC nhiều nhất. Các lĩnh vực thường xuyên tranh chấp là hoạt động logistics, những vi phạm hợp đồng thương mại, tranh chấp về vốn, cổ phần.

Có thể nói, sự ra đời của các tổ chức trọng tài thương mại rất quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Do không hiểu bản chất, ưu - nhược điểm của những thỏa thuận hợp tác quốc tế nên thời gian qua đã xảy ra không ít vụ tranh chấp, trong đó điển hình là vụ việc giữa Công ty cổ phần Ba Huân và Quỹ đầu tư VinaCapital. Khi có tranh chấp, không phải doanh nghiệp nào cũng ưu tiên chọn trọng tài thương mại để giải quyết. Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa ưu tiên sử dụng trọng tài và hòa giải thương mại vì án phí cao hơn so với việc tố tụng lên cơ quan tòa án. Bên cạnh đó, khác với việc tòa án phân xử công khai thì các vụ việc sử dụng trọng tài, hòa giải thương mại bắt buộc phải giữ bí mật nhằm tránh những thiệt hại về kinh tế cho hai bên nên rất khó tuyên truyền về hiệu quả của phương thức này...

Để phát triển tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra, bà Mai Tuyết Hạnh cho rằng: "Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã có những đề xuất tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động trọng tài thương mại đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn bằng nhiều hình thức; tăng cường tổ chức các hội thảo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng hoạt động của trọng tài viên. Đồng thời thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách tổ chức trọng tài thương mại, đăng tải trên trang thông tin điện tử; chuẩn hóa các quy trình, thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực này theo hướng cải cách hành chính".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.