Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết hàng tồn kho, đẩy mạnh sản xuất

Đặng Loan| 15/09/2012 07:26

(HNM) - Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP Hồ Chí Minh trong 8 tháng giảm mạnh. Trong những tháng cuối năm TP sẽ tăng cường tập trung vào các biện pháp kích cầu để giảm hàng tồn kho, bên cạnh đó là đẩy mạnh tái cơ cấu và sắp xếp các DN để bảo đảm phát triển bền vững, không chạy theo chỉ tiêu.

Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp TP cho biết, tính đến hết tháng 8-2011, trên địa bàn có 108 DN 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP (có 13 DN đang thực hiện sáp nhập, giải thể, phá sản, bán…). Theo tổng hợp số liệu từ 95 DN có báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, doanh thu trong 8 tháng đầu năm của các DN này ước đạt 81.981 tỷ đồng, đạt 69,05% kế hoạch, giảm 23,94% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận ước đạt gần 3.581 tỷ đồng, chỉ đạt 51,10% kế hoạch năm, giảm 22,45% so với cùng kỳ.

Trong đó, khối tổng công ty, công ty mẹ ước doanh thu 74.087 tỷ đồng, đạt 70,04% kế hoạch năm, giảm 26,28%. Lợi nhuận ước đạt 2.647 tỷ đồng, chỉ đạt 47,76% kế hoạch năm, giảm 24,88% so với cùng kỳ. Có 8/17 tổng công ty, công ty mẹ có doanh thu và lợi nhuận tăng, 9 tổng công ty, công ty mẹ có doanh thu và lợi nhuận giảm. Giảm nhiều là Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận giảm 69,03%; Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn giảm 36,95%; Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn giảm 35,37%; Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn giảm 24,76%.

Trong khi đó, với khối DN độc lập, doanh thu 8 tháng ước đạt 7.894 tỷ đồng, đạt 60,97% kế hoạch năm, tăng 8,37% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận ước đạt 934 tỷ đồng, giảm 14,64%. Có 28/41 DN doanh thu tăng và 26/41DN có lợi nhuận tăng, các DN còn lại đều giảm.

Dù một số DN có lợi nhuận tăng nhưng không phải tất cả đều nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi mà từ các hoạt động khác như tiết kiệm chi phí, giảm chi phí, thoái vốn… Các DN có lợi nhuận giảm đều bị tác động trực tiếp từ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông Nguyễn Văn Trực, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, 8 tháng đầu năm doanh thu công ty đạt 77% nhưng hiệu quả chỉ 57%. Lý do, hàng vẫn bán được nhưng không có lợi nhuận do chi phí đầu vào tăng trong khi giá các sản phẩm nông nghiệp lại giảm…

Theo ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP, biện pháp tháo gỡ khó khăn đầu tiên là phải tập trung tiêu thụ hàng hóa, giảm hàng tồn kho. Các DN phải tính toán lại giá cả, chấp nhận hạ giá để bán hàng. Cần liên kết với các DN bán hàng bình ổn đưa hàng về vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để tiêu thụ. Trong sản xuất kinh doanh, cần cơ cấu ngành hàng và có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Ví dụ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn có thể liên kết với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn để có được chu kỳ khép kín trong chăn nuôi, chế biến và phân phối. Ông Tài cũng đề nghị TP cần quyết liệt hơn nữa, công khai, minh bạch trong các thủ tục hành chính, đầu tư, xây dựng… mà theo ông Tài thì sự chậm chạp, trì trệ cố hữu nhiều lúc đã làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Ví dụ như ngành thuế, dù đã cải cách rất nhiều nhưng thời gian hoàn thuế vẫn rất lâu, đến 1-2 năm trong khi DN phải vay vốn ngân hàng để đóng thuế mà khi hoàn lại không còn như giá trị ban đầu…

Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, từ nay đến cuối năm các DN phải rà soát kế hoạch, đầu tiên là hàng tồn kho để tiêu thụ nhằm thu hồi vốn, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với các DN thua lỗ kéo dài nằm trong diện phải phá sản, sáp nhập, giải thể thì tập trung xử lý dứt điểm trong thời gian tới. TP cũng giao cho Ban đổi mới DN phối hợp hướng dẫn các DN thực hiện các yêu cầu tái cơ cấu, đặc biệt là các tổng công ty và DN nhà nước để phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết hàng tồn kho, đẩy mạnh sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.