Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết dứt điểm hợp tác xã kém hiệu quả

Sơn Tùng| 19/04/2023 12:14

(HNMO) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.392 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có khoảng 200 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể. Năm 2022, toàn thành phố mới giải thể được 12 hợp tác xã. Để giải quyết dứt điểm các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, rất cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Sau 5 năm đi vào hoạt động, mới đây, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Cổ Bi (huyện Gia Lâm) đã gửi đơn xin được giải thể. Song, đến nay, hợp tác xã vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục giải thể liên quan. Tương tự, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Thạch Thán (huyện Quốc Oai) cũng đang trong quá trình thực hiện thủ tục để giải thể theo quy định. Ông Nguyễn Quý Hào, đại diện hợp tác xã cho biết, sau hơn 6 năm hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, hợp tác xã không đủ năng lực để duy trì hoạt động, nên buộc phải giải thể.

Đây là 2 hợp tác xã mới nhất thuộc Liên minh Hợp tác xã Hà Nội đang trong quá trình thực hiện giải thể nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay cho thấy, thường xuyên có hợp tác xã gửi đơn giải thể, với lý do hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả. Tuy nhiên, việc giải thể diễn ra không suôn sẻ phần lớn là do vướng mắc về thủ tục pháp lý. Trong số này, có nhiều hợp tác xã không hoạt động sản xuất, kinh doanh từ rất lâu, tập trung ở các huyện, như: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai…

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, những khó khăn cụ thể là có nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản, nợ sau giải thể; việc lưu trữ giấy tờ, hồ sơ của các hợp tác xã có nhiều tồn tại, hạn chế. Thực tế, có không ít hợp tác xã bị thất lạc con dấu, hồ sơ đăng ký hợp tác xã, vướng mắc về tài chính, tài sản giữa hợp tác xã và thành viên… Đặc biệt, việc giải thể hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, tạm dừng hoạt động phải trải qua nhiều thủ tục pháp lý phức tạp, nhất là những hợp tác xã thành lập cách đây vài chục năm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, cùng với việc củng cố, thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp, trong thời gian tới, huyện sẽ giải quyết dứt điểm các hợp tác xã yếu kém, hoạt động khó khăn nhiều năm để chuyển sang hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả hơn.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, Sở đã đề xuất UBND thành phố có hướng dẫn việc giải thể hợp tác xã ngừng hoạt động, trong đó tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi thực hiện giải thể hợp tác xã. Đồng thời, đề xuất giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu chính sách đặc thù của thành phố về xử lý xóa nợ để có căn cứ pháp lý xử lý dứt điểm các khoản nợ không có khả năng thu hồi.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, việc để các hợp tác xã không hoạt động tồn tại trên giấy tờ vừa gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng, vừa hình thành cách nhìn không tốt cho người dân về kinh tế tập thể, ảnh hưởng chung đến thực hiện các chủ trương, phong trào phát triển hợp tác xã đang được Đảng, Nhà nước chú trọng. Thực trạng đó đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả. Liên minh Hợp tác xã Hà Nội sẽ tăng cường vận động, giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục để các hợp tác xã hoạt động yếu kém, ngừng hoạt động làm thủ tục giải thể tự nguyện.

“Thời gian tới, với việc Luật Hợp tác xã sửa đổi, bổ sung có các quy định cụ thể để giải quyết các vướng mắc trong giải thể, chuyển đổi, cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kỳ vọng sẽ giúp xử lý dứt điểm tình trạng hợp tác xã tồn tại trên giấy...”, ông Nguyễn Tiến Phong nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết dứt điểm hợp tác xã kém hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.