(HNM) - Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng.
Tiết kiệm năng lượng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành Công nghiệp. Ảnh: Huy Hùng |
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015 đã giúp tiết kiệm gần 6% tổng năng lượng tiêu thụ trong cùng giai đoạn, tương đương 11,8 triệu tấn dầu quy đổi. Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011-2015, đáng kể như ngành Thép (giảm 8,09%); ngành Xi măng (giảm 6,33%); ngành Dệt sợi (giảm 7,32%).
Tại hội thảo khởi động và đào tạo dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp Việt Nam”, do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tháng 3-2018, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, ngành năng lượng của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức do nguồn năng lượng trong nước hạn chế và nhu cầu sử dụng điện cao. Việc thực hiện và thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng sẽ mang lại nhiều lợi ích, như giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành Công nghiệp Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính và tránh phải đầu tư vào các nhà máy điện than mới.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua chủ trương tạm dừng các dự án điện hạt nhân; trong khi đó các nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình hầu như đã được khai thác hết; tiềm năng, trữ dầu và khí đốt sẽ sớm suy giảm, năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng ngay với quy mô lớn do giá thành còn cao thì việc thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là việc cần thực hiện ngay.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. "Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 18-3-2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm.
Cũng theo kịch bản này thì tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới. Cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016-2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026-2030). Nếu tổng công suất của toàn hệ thống hiện nay khoảng 45.000MW thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000MW và dự kiến lên đến 129.500MW vào năm 2030. Đây là thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc bảo đảm thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.
Do đó, việc xây dựng kế hoạch, chính sách tiết kiệm năng lượng là điều thiết thực. Việc này không chỉ diễn ra tại khu vực kinh tế nhà nước mà khu vực tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt công nghiệp là lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế. Các chương trình, hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nếu được tổ chức và thực hiện tốt sẽ bảo tồn được nguồn năng lượng của quốc gia, giúp nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, giúp thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.