(HNM) - Trong nhiều mối lo thường nhật, cắt điện vào những ngày hè nóng bức trở thành nỗi ám ảnh của không ít hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…
Diễn biến thời tiết càng phức tạp, khó lường thì ngành Điện càng đối mặt với nhiều thử thách. Đặc biệt tại Hà Nội khi tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển… thì ngành Điện càng "đau đầu" đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế cảnh “co kéo” điện giữa các vùng, miền. Là địa phương có số dân lớn nhất cả nước, Hà Nội cũng có mức phụ tải điện sinh hoạt cao nhất (chiếm 55%). Theo dự báo của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI), nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trong mùa hè này, cá biệt một số nơi đô thị hóa cao có thể tăng gấp đôi.
Trước áp lực này, EVN HANOI đã chủ động triển khai nhiều giải pháp quan trọng để “hóa giải” những thách thức đang đặt ra. Đến thời điểm này, việc rà soát tình hình cung ứng và lập các giải pháp cấp điện đã được EVN HANOI thực hiện trên toàn địa bàn thành phố. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng điện cũng được triển khai và đưa vào vận hành. Với những giải pháp này, lãnh đạo EVN HANOI khẳng định sẽ bảo đảm đủ điện cho mùa cao điểm nắng nóng, sẽ không còn tình trạng cắt điện luân phiên.
Đây là tín hiệu đáng mừng. Song để giữ được sự ổn định, lâu dài, một mình ngành Điện khó có thể cáng đáng nếu không có sự chung sức của chính người sử dụng điện.
Trên thực tế, dù được đầu tư về hạ tầng lớn đến đâu nhưng nếu người tiêu dùng không có ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý thì việc cắt điện luân phiên là điều khó tránh khỏi. Trong nhiều năm qua, việc tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm đã được ngành Điện chú trọng, thực hiện bền bỉ, nhưng sự thay đổi ý thức người dân còn chậm. Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phát triển nhanh và nóng, vượt quy hoạch; nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng các công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng… Chưa kể, năng lực sản xuất các sản phẩm, thiết bị trong nước có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng; công tác kiểm soát thị trường còn hạn chế, việc cấm lưu hành các sản phẩm tiết kiệm năng lượng có chất lượng kém chưa được thực hiện quyết liệt…
Thực trạng này cho thấy, việc tiết kiệm điện vẫn là giải pháp quan trọng và người sử dụng cần thực hiện với ý thức cao nhất. Các ngành, địa phương và bản thân ngành Điện cần tăng cường tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng đến mọi chủ thể bằng cách gắn với thực hiện nghiêm túc Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tham gia cung cấp các dịch vụ tiết kiệm năng lượng; có cơ chế cho vay vốn linh hoạt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các dây chuyền sản xuất, thiết bị máy móc có hiệu suất cao và tiết kiệm năng lượng…
Đặc biệt, trong các quy hoạch phát triển mới của ngành Điện, nhất là ở vùng đang đô thị hóa nhanh, cần có tính dự báo về nhu cầu sử dụng, diễn biến thời tiết... để chủ động bảo đảm nguồn cung điện hợp lý. Trước mắt cần thực hiện tốt đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7-2-2017.
Đồng hành cùng những thuận lợi, khó khăn của ngành Điện thông qua thay đổi ý thức sử dụng điện hiệu quả, thực hành tốt hơn việc tiết kiệm điện - trước mắt là giải pháp quan trọng góp phần gỡ khó cho ngành Điện khi mùa cao điểm đến, nhưng sâu xa hơn cũng chính là vì quyền được có điện để phục vụ cuộc sống của mỗi người!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.