Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp nào để Hà Nội thoát ngập?

Bảo Hân| 02/06/2022 12:26

(HNMO) - Hà Nội “cứ mưa là ngập”, điệp khúc này đang xảy ra với tần suất dồn dập và ngày càng nặng nề hơn sau những trận mưa lớn từ cuối tháng 5 đến nay. “Chỉ mặt” các nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp nhằm cải thiện tình hình trước mắt và lâu dài đang được nhiều chuyên gia quan tâm.

Bên cạnh các giải pháp chống úng ngập cục bộ, Hà Nội cần nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi toàn thành phố.

Sức ép nào cho thoát nước đô thị?

“Ngập úng là một thách thức lớn và thường xuyên đối với thành phố Hà Nội”, GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam nhận định.

Theo ông Trần Đức Hạ, trong các nguyên nhân khách quan gây ngập úng là địa hình thấp và mực nước các sông cao; lượng mưa lớn và phân bổ không đều theo thời gian thì còn do quá trình đô thị hóa và tăng dân số.

“Dân số Hà Nội trong những năm 90 của thế kỷ trước là 2,1 triệu người và hiện nay gấp 4 lần so với trước. Như vậy, ngoài nước mưa, lượng nước thải đổ vào hệ thống thoát nước cũng tăng trên 3,5 lần. Quá trình đô thị hóa và tăng dân số tạo sức ép mạnh lên hệ thống thoát nước đô thị”, GS.TS Trần Đức Hạ nêu cụ thể.

Một nguyên do khác đến từ những bất cập trong quản lý quy hoạch đô thị khi các công trình hạ tầng, đặt biệt là thoát nước, không theo kịp với xây dựng công trình, nhà cửa. Cốt san nền tại các khu đô thị mới, đại lượng cơ bản trong thiết kế tiêu thoát nước, không được tuân thủ theo quy hoạch khi triển khai xây dựng công trình. Hệ thống hồ điều hòa ở các khu đô thị mới hiện không phát huy tác dụng, thậm chí nhiều khu hồ điều hòa bị lấp để lấy đất làm nhà, dẫn đến thoát nước chậm.

Việc xây dựng các nhà cao tầng với mật độ lớn và khai thác nước ngầm cũng sẽ dẫn đến cốt nền đô thị trở nên thấp hơn do sụt lún. Việc thay đổi cốt đường sau mỗi lần cải tạo, sửa chữa sẽ làm thay đổi tiểu lưu vực thoát nước và hiệu quả hoạt động của các đường cống ở đó. Ngoài ra, việc thiếu kiểm soát quá trình xả rác thải, đổ phế thải xây dựng và lấn chiếm hồ kênh mương là nguyên nhân hiện hữu hạn chế khả năng tiêu thoát nước và gây ô nhiễm môi trường.

“Hệ thống thoát nước có công suất tiêu thoát với những trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày của lưu vực sông Tô Lịch. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm cho nhiều trận mưa lớn với tần suất tăng hơn, khiến cho hệ thống thoát nước không đủ tải. Công suất các trạm bơm đầu mối lưu vực tả Nhuệ và Tô Lịch theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 là 151m3/s. Nhưng năng lực thực tế hiện mới chỉ đạt 122,3m3/s. Một số hồ điều hòa, tuyến cống thoát nước trong nội thành vẫn đang trong giai đoạn cải tạo, xây dựng bổ sung. Các tuyến cống, mương chính, hồ điều hòa… lưu vực tả Nhuệ và Hà Đông còn thiếu nhiều”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường tiếp tục chỉ ra một số bất cập.

Nhìn nhận dưới góc độ quy hoạch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng, hiện trạng ngập úng xảy ra thường xuyên và có nguy cơ ngày càng trầm trọng là hệ quả của những bất cập trong quy hoạch thoát nước và quản lý đô thị tồn tại nhiều năm qua. Tại những khu vực là “điểm đen” về úng ngập cùng có chung đặc điểm là tốc độ đô thị hóa quá nhanh, song không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực.

Cần một quy hoạch tổng thể, có tầm nhìn

Theo GS.TS Trần Đức Hạ, thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững, tức áp dụng các kỹ thuật để quản lý nước chảy tràn tại chỗ, thông qua việc thu gom, lưu trữ và làm sạch trước khi xả ra từ từ trở lại vào cống thoát nước hoặc môi trường là một trong những giải pháp mới được khuyến khích áp dụng nhằm giảm thiểu ngập úng đô thị dưới biến đổi của khí hậu.

Các công trình của hệ thống thoát nước đô thị bền vững tạo điều kiện thoát chậm để tránh lượng mưa tập trung lớn ở đô thị trong thời gian ngắn, đồng thời sử dụng triệt để các khả năng lưu giữ và làm sạch của hệ thống sinh thái tự nhiên vào việc cải thiện chất lượng nước, bổ cập nguồn nước ngầm cộng với việc làm hài hòa cảnh quan thiên nhiên.

Hiện nay, mô hình thoát nước bền vững đã và đang được áp dụng thí điểm tại một số đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để nhân rộng những mô hình này, chắc chắn cần thêm thời gian để hoàn thiện các văn bản quy định liên quan, bổ sung quy chuẩn và các cơ sở dữ liệu hỗ trợ quy hoạch, thiết kế…

Còn theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để đối phó với biến đổi khí hậu, không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố, kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị. Thành phố Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh như hiện nay, cần có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành.

Do vậy, bên cạnh những giải pháp cục bộ để giải quyết tình trạng úng ngập, đảm bảo đời sống của người dân và bộ mặt đô thị, Hà Nội cần nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn dài hạn.

“Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch cần được thực hiện nghiêm túc, tránh việc tùy tiện điều chỉnh cục bộ một khu vực dẫn đến phá vỡ tính tổng thể và thống nhất của hạ tầng”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu ra yêu cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào để Hà Nội thoát ngập?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.