Nhu cầu bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng ngày càng trở nên cấp bách và đòi hỏi khắt khe hơn.
Ngày 22-7, tại tỉnh Ninh Bình, Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Hội Phụ nữ Bộ Công an phối hợp tổ chức hội thảo "Phụ nữ, hòa bình và an ninh mạng - Nâng cao nhận thức, năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc ứng phó với các thách thức trên không gian mạng”.
Phát biểu tại chương trình, bà Gaelle Demolis, chuyên gia Chương trình và chính sách quản trị, hòa bình và an ninh, Văn phòng UN Women khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh, tội phạm mạng, tấn công mạng, quấy rối và bạo lực trên mạng đã và đang gây ra những mối đe dọa thường xuyên đối với các cá nhân, tổ chức và thậm chí cả tới nền hòa bình và sự phát triển ổn định của các quốc gia. Nhu cầu bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trước những vấn đề an ninh đó cũng ngày càng trở nên cấp bách và đòi hỏi khắt khe hơn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các mối đe dọa trên không gian mạng đối với phụ nữ và trẻ em gái, đề xuất các phương pháp cụ thể nhằm trang bị cho họ kiến thức, khả năng tự vệ cần thiết để ứng phó kịp thời với các mối đe dọa trên không gian mạng một cách hiệu quả.
Đáng chú ý, các chuyên gia của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đại diện Hội Phụ nữ Bộ Công an và UN Women cũng đã đối thoại với cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (tỉnh Ninh Bình), thúc đẩy trao đổi quan điểm phản biện về những vấn đề cấp bách này.
Một số ý kiến cho rằng cần trao đổi với phụ nữ và trẻ em để cùng đưa ra nguyên tắc khi sử dụng internet và điện thoại di động, như: Không sử dụng điện thoại di động trong phòng ngủ; kiểm soát thời gian các em nhỏ sử dụng mạng cho mục đích giải trí; đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình.
Các bậc phụ huynh cũng cần chủ động nghiên cứu sử dụng giải pháp công nghệ, bao gồm cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn, xấu, độc, không phù hợp với trẻ em; theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng của con em để nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp.
Phụ huynh cần chú trọng việc trao đổi cởi mở, trò chuyện với con em mình để biết được con thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao; hướng dẫn con cách kết bạn, giao tiếp; hướng dẫn con cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo ngay khi gặp rắc rối trên mạng. Đặc biệt, khi gặp rắc rối trên không gian mạng như bị xâm phạm quyền riêng tư, bị bắt nạt qua mạng, phụ nữ và trẻ em cần chủ động gọi tổng đài 111 để được hỗ trợ giải pháp tháo gỡ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.