Sáng 8-12, tại Hà Nội, hơn 120 đại biểu là các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, chuyên gia và nhà hoạt động vì bình đẳng giới đã tham gia sự kiện Ruy băng trắng lần thứ 9 với chủ đề “Nhạy cảm giới trong điều tra, giải quyết các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.
Sự kiện do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đồng tổ chức.
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: Một nghiên cứu do UN Women và Bộ Tư pháp tiến hành cách đây vài năm đã chỉ ra một loạt nguyên nhân khiến cho nạn nhân không tố cáo sự việc và không tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý như không bảo đảm sự riêng tư, những lo ngại về an toàn cho bản thân và gia đình, thủ tục phức tạp…
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam cũng cho rằng: “Cán bộ, chiến sĩ công an hay điều tra viên thường là những người đầu tiên tiếp nhận và xử lý các vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Yêu cầu đặt ra là phải tiến hành giải quyết các vụ việc có liên quan một cách nhanh chóng, đúng quy định, bảo vệ tốt nhất phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, họ cũng cần có nhận thức về giới, nhạy cảm giới và trách nhiệm giới, để từ đó góp phần xóa bỏ các định kiến giới vốn tác động tiêu cực tới phụ nữ và trẻ em".
Tại sự kiện, thông qua vở kịch tình huống do chính các cán bộ thuộc cơ quan tiến hành tố tụng ứng tác và biểu diễn, các đại biểu tham dự đã thảo luận, rút ra các bài học, kinh nghiệm quý báu cho các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể vận dụng vào trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nhằm bảo đảm nhạy cảm giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.