Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp loại bỏ sim rác

Việt Nga| 11/10/2022 07:10

(HNM) - Trong thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước cùng các nhà mạng đã áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và hành chính để tăng cường quản lý thông tin thuê bao, sim kích hoạt sẵn, từ đó ngăn chặn cuộc gọi rác. Trong đó việc rà soát, loại bỏ sim kích hoạt sẵn hay còn gọi là sim rác là giải pháp quan trọng bởi còn tồn tại sim rác sẽ còn cuộc gọi rác.

Người dân sử dụng cổng tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác của Cục An toàn thông tin. Ảnh: Đỗ Tâm

Để ngăn chặn cuộc gọi rác gây bức xúc trong dư luận, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thống nhất với các doanh nghiệp viễn thông tiêu chí xác định cuộc gọi rác, gồm: Có tần suất 150 cuộc gọi/ngày, thời gian gọi dưới 45 giây, cuộc gọi đi lớn gấp 10 lần cuộc gọi đến.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cùng các nhà mạng nhiều lần kêu gọi, khuyến cáo khách hàng (gồm cả hình thức tuyên truyền bằng cách gửi tin nhắn đến số thuê bao) phản hồi sau khi nhận được tin nhắn khảo sát của nhà mạng sau các cuộc gọi có dấu hiệu nghi ngờ cuộc gọi rác.

Các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác này là thỏa thuận được các nhà mạng triển khai hồi cuối tháng 8-2022, dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông. Đồng thời, các nhà mạng đã cam kết ngăn chặn và xử lý sim rác (kích hoạt sẵn). Tuy nhiên, tỷ lệ phản hồi khảo sát của khách hàng rất thấp, chỉ chiếm dưới 5% tổng số cuộc gọi nghi ngờ. Nhiều khách hàng thông tin, việc trả lời tin nhắn khảo sát từ nhà mạng (bằng cách chọn bấm “có” hoặc “không”) rất khó, gần như không thể vì chọn bấm không có tác dụng, hoặc nếu chọn bấm thành công thì máy điện thoại bị treo, phải khởi động lại.

Đại diện các nhà mạng cho rằng, việc khách hàng khó phản hồi tin nhắn khảo sát có thể xuất phát từ dòng thiết bị, hoặc có thể do trục trặc về kỹ thuật ngoài mong muốn. Song rõ ràng đó cũng là những tình huống đặt ra mà nhà mạng, Cục Viễn thông cần xem xét, có giải pháp khi tỷ lệ trả lời khảo sát rất thấp. Tất nhiên, khi phát hiện cuộc gọi rác, người dân còn có một “kênh” khác có thể phản ánh qua cổng tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tin nhắn 5656 và cổng thông tin https://thongbaorac.ais.gov.vn/ của Cục An toàn thông tin.

Một vấn đề nữa liên quan đến cuộc gọi rác là việc quản lý thông tin thuê bao, sim rác. Theo kết quả kiểm tra tại 7 nhà mạng viễn thông vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, vẫn còn tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh sim đã kích hoạt. Cá biệt có trường hợp hàng nghìn thuê bao của nhà mạng Vietnamobile được 1 người đứng tên đăng ký, từ đó, bán cho khách hàng. Đó chính là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tồn tại sim rác, cuộc gọi rác phát sinh tăng mạnh trong thời gian qua.

Qua đợt kiểm tra này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phạt hành chính 7 nhà mạng (gồm cả các chi nhánh) và 39 điểm cung cấp dịch vụ với số tiền gần 3 tỷ đồng. Cùng với việc xử phạt, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh người đứng đầu doanh nghiệp, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc để tồn tại tình trạng thuê bao có thông tin không chính xác. Đây là lần nhắc nhở thứ hai, nếu có nhắc nhở lần ba sẽ có biện pháp xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu đơn vị chức năng của Bộ, sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Rõ ràng, cùng với việc xác định tiêu chí, áp dụng giải pháp kỹ thuật với sự tham gia của khách hàng, nhà mạng cần rà soát, loại bỏ sim kích hoạt sẵn hay còn gọi là sim rác. Đây mới là giải pháp quan trọng bởi còn tồn tại sim rác sẽ còn cuộc gọi rác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp loại bỏ sim rác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.