Trả lời câu hỏi của báo chí về quản lý thông tin thuê bao tại họp báo thường kỳ tháng 4-2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều nay (8-4), Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, ước tính có 1,62 triệu giấy tờ, tương ứng 7,89 triệu sim thuộc tập thuê bao 1 giấy tờ đang đăng ký 4-9 sim.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, để ngăn chặn tình trạng sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác một cách triệt để, các công ty chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… cần đăng ký, sử dụng dịch vụ cuộc gọi định danh (Voice Brandname) để thực hiện các cuộc gọi quảng cáo khi có nhu cầu, thay vì thuê các đối tượng sử dụng dịch vụ quảng cáo qua điện thoại không đúng quy định. Nghị định số 91/2020/NĐ-CP cũng đã quy định rõ các cuộc gọi quảng cáo phải sử dụng tên định danh.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, thay đổi cú pháp tra cứu từ TTTB thành TTTB + số giấy tờ gửi 1414 rà soát, xác minh, làm rõ sim mình đang sử dụng. Đồng thời, các nhà mạng trong bản tin trả về phải gửi kèm danh sách số thuê bao mà số giấy tờ đang đứng tên đăng ký sử dụng.
Hiện, các nhà mạng đã xây dựng quy trình tiếp nhận, xác minh xử lý phản ánh của người sử dụng khi phát hiện mình đứng tên sim lạ (các quy trình này đã được các nhà mạng đăng tải trên website của mình) qua tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng… Trong thời gian 1 ngày, kể từ thời điểm tiếp nhận phản ánh chính thức của người dùng về số thuê bao mà bản thân không sử dụng (sau khi tra cứu thông tin thuê bao qua 1414), nhà mạng phải tiến hành ngay biện pháp bảo đảm số thuê bao bị phản ánh không còn trong danh sách số thuê bao của người dùng.
Tính đến hết tháng 3-2024, sau 1 tháng triển khai, các nhà mạng đã tiếp nhận hơn 6 triệu lượt tra cứu (TTTB+số giấy tờ); khoảng 1.000 khách hàng phản ánh (về việc có số thuê bao không còn sử dụng, đăng ký) về gần 1.200 số thuê bao. Điều này giúp doanh nghiệp viễn thông loại bỏ các số thuê bao khỏi danh sách mà khách hàng đã phản ánh đứng tên, thực hiện nhắn tin đề nghị gần 1.200 số bị phản ánh xác minh, làm rõ; trong đó, khóa 1 chiều và 2 chiều gần 200 số.
“Bộ Thông tin và Truyền thông đã quán triệt từ ngày 15-4 tới, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ sẽ tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm (gồm xem xét, dừng phát triển mới), đồng thời, có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng xem xét có hình thức kỷ luật”, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.