Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp giảm tải lưu lượng giao thông hiệu quả

Quỳnh Dương| 17/11/2022 07:40

(HNNN) - Nhiều năm qua, tắc nghẽn giao thông là chủ đề làm đau đầu các nhà quản lý tại nhiều đô thị lớn trên thế giới. Để giải quyết tình trạng này, nhiều biện pháp đã được đưa ra như tăng cường hệ thống giao thông công cộng, mở rộng đường sá, cơ sở hạ tầng... Không ít thành phố trên thế giới đã lựa chọn việc thu phí vào nội đô để giảm tải lưu lượng xe cộ cũng như cải thiện chất lượng không khí ở khu vực trung tâm.

Thu phí vào nội đô là một giải pháp giảm tắc nghẽn mà nhiều thành phố lựa chọn.

Khi tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề ùn tắc, hầu hết người đứng đầu chính quyền thành phố đều nghĩ đến việc bổ sung một làn đường mới. Tuy nhiên, chi phí xây dựng trong khu vực đô thị rất lớn và cần thời gian dài để hoàn thành. Việc áp dụng thu phí chống ùn tắc sẽ giúp giảm lượng xe được sử dụng trong giờ cao điểm, thúc đẩy mọi người chọn phương tiện công cộng hoặc đi lại vào thời điểm khác trong ngày. Một số thành phố lớn trên thế giới đang áp dụng biện pháp thu phí vào nội đô hiện nay có: London (Anh, triển khai từ năm 2003), Stockholm (Thụy Điển, 2006), Milano (Italia, 2008). Mục tiêu chung của tất cả các thành phố này là giảm lưu lượng giao thông vào khu vực trung tâm để tránh tắc nghẽn, giảm thiểu ô nhiễm khói bụi, đồng thời tạo ra doanh thu và nguồn tái đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông địa phương.

Tại London, khi chương trình bắt đầu được triển khai vào tháng 2-2003, chính quyền chỉ lựa chọn thí điểm tại khu vực có diện tích hơn 20km2, bằng khoảng 1,5% tổng diện tích London. Đây là khu vực kinh doanh trung tâm thường xuyên bị ùn tắc nghiêm trọng. Sau đó, mô hình thu phí được mở rộng ra phía Tây, bao gồm thêm 20km2 nữa gồm khu vực Westminster, Kensington và Chelsea. Khi áp dụng thu phí, chính quyền thành phố thực hiện luôn cả việc tăng 40% công suất chuyên chở khách của xe buýt và tàu hỏa. Ban đầu, mức phí ngày thường là 5 bảng Anh, sau được nâng lên 8 bảng Anh vào năm 2005. Thời gian thu phí từ 7h - 18h30. Những phương tiện được miễn phí hoặc giảm phí gồm xe của cư dân sống trong khu vực thu phí (giảm 90%). Xe buýt, taxi, xe cấp cứu và xe máy được miễn. Hơn 650 camera giám sát đã được lắp đặt ở vòng ngoài và trong khu vực, ghi lại hình ảnh biển số xe của mọi loại phương tiện. Lái xe có thể trả qua trang web, bằng tin nhắn SMS hoặc qua điện thoại. Mức phạt nộp phí chậm 1 ngày là 40 bảng và tăng lên 120 bảng nếu không trả trong vòng 4  tuần.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải London, tình trạng xe buýt bị chậm ở trung tâm London đã giảm 50% sau khi áp dụng chương trình, số người đi xe buýt tăng 7%. Sau năm đầu thực hiện, số ô tô con và phương tiện giao hàng trung bình vào khu vực trung tâm London giảm mạnh so với năm trước đó. Khoảng 50 - 60% trong số đó là do người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, 20 - 30% điều chỉnh hành trình tránh khu vực thu phí, 15 - 25% chuyển sang đi xe chung, số còn lại thì giảm hành trình, đi nhiều hơn vào ngoài giờ thu phí, tăng cường dùng xe đạp và xe máy. Thời gian di chuyển giảm 14%. Chi phí ban đầu cho hệ thống thu phí ở London là 161,7 triệu bảng Anh. Doanh thu từ việc thu phí là 250 triệu bảng Anh trong một tài khóa, chiếm 8,5% doanh thu hằng năm của Sở Giao thông Vận tải London. Hơn một nửa được chi để vận hành hệ thống thu phí.

Theo một báo cáo của chính quyền London năm 2007, mức độ chấp nhận thu phí người sử dụng đường bộ trước khi áp dụng hệ thống thu phí tắc nghẽn là khoảng 40%. Sau khi hệ thống thu phí được áp dụng, mức độ chấp nhận tăng lên hơn 50%. Có 2 lý do chính khiến tỷ lệ người dân London chấp nhận hệ thống thu phí tương đối cao cả trước vào sau khi áp dụng: Tình trạng giao thông ở London đã đến mức không thể chấp nhận được và người dân London cảm thấy cần phải có một số biện pháp triệt để; nhiều người cho rằng thu phí là cách tốt nhất để có tiền nâng cao chất lượng giao thông công cộng ở London.

Tại Singapore, việc thu phí vào trung tâm thành phố được thực hiện từ rất sớm thông qua hình thức Hệ thống cấp phép khu vực (ALS) vào năm 1975, áp dụng mức phí cố định đối với tất cả các phương tiện đi vào Khu Thương mại Trung tâm (CBD). Đến năm 1998, hệ thống này đã được thay thế bằng Hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ERP), với việc tận dụng công nghệ để thu phí tắc nghẽn một cách linh hoạt và hiệu quả hơn. Hệ thống ERP cho phép cơ quan chức năng xác định các điểm tắc nghẽn cụ thể và thay đổi phí tắc nghẽn và số giờ hoạt động tùy theo điều kiện giao thông hiện hành. Do đó, mức phí sẽ tăng hoặc giảm tùy theo mức độ ùn tắc trên từng đoạn đường. Kể từ khi được giới thiệu, hệ thống ERP đã mang lại hiệu quả trong việc quản lý tắc nghẽn giao thông và giữ tốc độ giao thông trong phạm vi tối ưu.

Chính phủ Singapore cũng tuyên truyền về chương trình thu phí để nâng cao khả năng chấp nhận của công chúng. Các lãnh đạo đã giới thiệu chương trình cải tiến cả trước và trong quá trình áp dụng thu phí. Những cải cách cho hệ thống thu phí đã được thực hiện, kết hợp với quá trình phát triển và mở rộng đáng kể hệ thống phương tiện và dịch vụ giao thông công cộng, như hệ thống xe buýt, đường sắt nhẹ, giao thông công cộng tốc độ cao.

Tại Thụy Điển, việc thu phí chống ùn tắc giao thông đã được xem xét ở Stockholm trong hơn 3 thập kỷ trước khi chính thức được áp dụng. Trong thời gian này, nhiều nghiên cứu khả thi đã được thực hiện, nhiều đề xuất thu phí đã được sửa đổi hoặc loại bỏ nhờ tham vấn cộng đồng. Năm 2006, chính phủ nước này đã thực hiện cuộc trưng cầu dân ý với kết quả 51,3% ủng hộ và 45,5% phản đối việc thu phí. Đến năm 2006, chương trình thu phí thử nghiệm được triển khai và sau đó áp dụng chính thức vào năm 2007. Mức phí chống tắc nghẽn giao thông thay đổi theo ngày, nằm trong khoảng 15 - 35 krona Thụy Điển vào mùa thấp điểm và lên đến 45 krona trong giờ cao điểm. Sau khi áp dụng thuế chống tắc nghẽn, số lượt bệnh nhân nhập viện liên quan đến hen suyễn đã giảm 50%. Ngoài ra, trong thập kỷ qua, lượng phát thải carbon đã giảm gần 20% trong thành phố. Việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng đã tăng lên 40.000 người đi hằng ngày. Lượng hành khách trên các tuyến xe buýt nội đô đã tăng 9% so với một năm trước đó.

Theo một nghiên cứu của Liên hợp quốc, đến năm 2050, ước tính 68% dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực thành thị. Thu phí vào nội đô được đánh là giải pháp giúp giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp giảm tải lưu lượng giao thông hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.