(HNM) - Ngày 2-11, bên lề phiên thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015 và kế hoạch phát triển năm 2016, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là chuyên gia kinh tế, pháp luật đã gợi mở nhiều giải pháp giúp KT-XH năm 2016 có bước phát triển đột phá, vững chắc.
ĐB Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing (Đoàn TP Hồ Chí Minh):Con người triển khai phải chuyên nghiệp hóa hơn nữa
Thời gian qua, Chính phủ đã nhìn thẳng các hạn chế, yếu kém và bám sát thực tiễn, từ đó đưa ra những ứng phó kịp thời nên kết quả điều hành kinh tế vĩ mô ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cử tri vẫn than nhiều về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn yếu kém, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và uy tín sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tiếp nữa, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có mặt hạn chế, hiện tượng quá tải bệnh viện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn diễn ra, đặc biệt là tại các bệnh viện chuyên khoa. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cải cách hành chính đã được cải thiện nhưng con người triển khai phải chuyên nghiệp hóa hơn nữa. Đây là những mảng lớn, cần có tổng kết, đánh giá cụ thể thường xuyên để giúp Chính phủ có cơ sở điều hành kế hoạch KT-XH thời gian tới sát tình hình thực tế, giúp nước ta tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn.
ĐB Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Phú Yên):Phải đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế thị trường
Báo cáo của Chính phủ có nêu thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tế cũng cho thấy, thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa đem lại hiệu quả tích cực giúp nước ta đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Nhưng trong một số lĩnh vực, nhận thức của các cơ quan, đơn vị lại chưa đồng bộ. Tôi mong muốn những vấn đề mang tính luật pháp và cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bắt nguồn từ thể chế KTTT phải được đổi mới mạnh mẽ. Trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức của nước ta ngày càng phát triển về năng lực trình độ song cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp thuộc phạm trù đạo đức cần giám sát chặt chẽ, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, thay thế những cán bộ yếu kém. Pháp luật có được thực thi hay không, phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức công vụ.
ĐB Cao Sỹ Kiêm (Đoàn Thái Bình):Phối hợp đồng bộ tạo nên sức mạnh tổng hợp
Giai đoạn tới, tình hình kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, nhưng cũng không ít thuận lợi, nhất là khi Việt Nam đã ký được các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tạo tiền đề để hội nhập sâu hơn, kể cả đa phương và song phương.
Để hiện thực hóa các mục tiêu kế hoạch 5 năm tới mà Chính phủ đề ra, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Muốn tham gia hiệu quả các hiệp định, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân, doanh nghiệp hiểu được thế mạnh, tiềm năng, thuận lợi, khó khăn cần phải đối phó để từng ngành, địa phương, đơn vị chủ động có chiến lược kinh doanh ngày càng sát hợp hơn với thực tế; chuẩn bị tốt việc áp dụng khoa học - công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực để sau khi tham gia các hiệp định, Việt Nam không thua trên sân nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.