(HNM) - Bộ Tài chính đang hoàn tất dự thảo nghị định quản lý đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo dự thảo này, tỷ lệ vốn đầu tư ra ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước chỉ còn 15% thay vì mức 30% tổng số vốn như hiện nay.
Thực tế cho thấy, mặc dù phần lớn doanh nghiệp trụ cột vẫn đầu tư ra ngoài ngành ở mức dưới ngưỡng 30% cho phép, nhưng việc có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực luôn chứa đựng rủi ro như chứng khoán, bất động sản… đã kéo theo không ít hệ lụy cho cả nền kinh tế và xã hội. Những vụ "lùng nhùng" của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trước đây và không ít vụ việc mà công luận đã lên tiếng chứng minh cho điều này. Chưa kể việc đầu tư tràn lan gây nên tình trạng mất cân đối cho nền kinh tế vốn đang có rất nhiều vấn đề trong bối cảnh hiện nay.
Việc siết chặt quản lý nguồn vốn cũng như các chính sách tài chính có phần "khắc khổ", có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các chỉ số vĩ mô 6 tháng đầu năm (GDP tăng 5,6%, nhập khẩu tăng mạnh, sản lượng công nghiệp tiếp tục tăng 14,3%) có thể thấy doanh nghiệp không "chết đứng" như nhận định của nhiều nhà kinh doanh. Doanh nghiệp kêu nhiều về lãi suất nhưng đó không phải là vấn đề cốt lõi. Vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp là việc mất cân đối từ gốc và sự thiếu tập trung trong hoạt động.
Thực tế, cấu trúc vốn của không ít doanh nghiệp luôn trong tình trạng bấp bênh. Một thống kê gần đây cho thấy, hơn 60% doanh nghiệp mất cân đối về vốn, tức là lấy vốn ngắn hạn đem đầu tư trung - dài hạn và đa số đầu tư ngoài ngành. Và có hơn 90% doanh nghiệp ít nhiều dính đến bất động sản… Do vậy, vấn đề không phải là hạ lãi suất mà là việc cơ cấu lại nguồn vốn, doanh nghiệp đưa ra các chiến lược mới để có thể phát triển trong tương lai, đặc biệt khi nền kinh tế nước nhà đã hiện rõ những điểm sáng cho một giai đoạn hồi phục mới. Nếu có yếu tố nội tại tốt, có năng lực thực sự, doanh nghiệp sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố bên ngoài. Điều này, các nhà kinh doanh hiểu hơn ai hết.
Một trong những vấn đề bức xúc hiện nay đối với nền kinh tế là hiệu quả đầu tư. Hiệu quả từ nguồn vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa được như mong muốn, nếu không muốn nói thua kém rất nhiều so với khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Chưa nói đến vụ lợi, tham nhũng… đầu tư tràn lan, đầu tư thiếu tính toán ở tầm chiến lược đã gây ra tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn vốn. Do vậy, việc sớm ban hành một nghị định về quản lý đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Quản lý chặt nguồn vốn sẽ giúp các chủ sở hữu doanh nghiệp và cơ quan quản lý kịp thời phát hiện yếu kém trong quá trình hoạt động kinh doanh, đồng thời hạn chế rủi ro trong hoạt động đầu tư của các trụ cột kinh tế.
Siết chặt quản lý đầu tư có thể xem là một giải pháp căn cốt trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, để nghị định thật sự mang lại hiệu quả, không thể thiếu những chế tài xử lý cụ thể đối với lãnh đạo doanh nghiệp, chủ sở hữu và cơ quan quản lý khi vi phạm, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ giám sát tài chính…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.