(HNM) - Lần đầu tiên trong gần 90 năm qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa đề xuất tăng tuổi về hưu của người lao động lên 65 đối với nam và 63 đối với nữ.
Theo Thủ tướng Nga, đề xuất này là một giai đoạn chuyển tiếp tương đối dài, bắt đầu thực hiện từ năm 2019. Ông D.Medvedev nhấn mạnh kế hoạch này sẽ cho phép Chính phủ sử dụng các ngân khoản dư ra để tăng lương hưu lên cao hơn so với tỷ lệ lạm phát.
Theo luật kế thừa từ thời Liên Xô, tuổi về hưu tại Nga được quy định là 55 đối với nữ và 60 đối với nam kể từ đầu những năm 1930 và đây là độ tuổi nghỉ hưu thuộc loại thấp nhất thế giới. Nhà kinh tế Vladimir Tikhomirov thuộc Hãng Dịch vụ tài chính BCS (Nga) cho biết, việc tăng tuổi nghỉ hưu ở Nga là không tránh khỏi, vì phương án thay thế duy nhất giúp cân bằng quỹ hưu là tăng thuế, mà cách này thì "chẳng mấy ai thích". Ngoài ra, hệ thống hưu trí hiện hành của Nga tính lương hưu dựa trên tỷ lệ nộp vào của người lao động và số tiền chi ra cho người về hưu. Bộ Phát triển kinh tế Nga dự báo trong những năm 2030 tới đây, tỷ lệ người về hưu và người lao động Nga sẽ bằng nhau.
Theo một báo cáo của Viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công thuộc Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, năm 2017, thị trường lao động Nga xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của việc thiếu hụt nhân lực. Lực lượng lao động trong nước đã giảm khoảng 500 nghìn người, xuống mức 76,3 triệu lao động.
Trong hơn 10 năm trở lại đây, dân số trong độ tuổi lao động, đàn ông ở khoảng từ 16 đến 59 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 54 tuổi đã giảm. Vấn đề nằm ở chỗ có nhiều người về hưu ở độ tuổi vẫn còn sung sức, chính thức bước ra khỏi độ tuổi lao động nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Theo lập luận của Rostislav Kapelyushnikiv, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lao động thuộc Trường Đại học Kinh tế cao cấp, những người về hưu tiếp tục làm việc tích cực như trước đây đơn giản là bởi dân số trong độ tuổi lao động đã giảm nhiều và bắt đầu ảnh hưởng tới thị trường lao động.
Căn cứ vào sự sụt giảm dân số, hệ thống lương hưu hiện nay của Nga đang là gánh nặng lớn cho ngân sách liên bang. Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố thay đổi tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Điện Kremlin hồi tháng 3 thông báo sẽ chuẩn bị các biện pháp để tăng lương hưu nhanh hơn lạm phát do người hưởng lương hưu chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc giá cả leo thang. Vì lý do trên, cộng với yếu tố tuổi thọ tăng, người lao động Nga sẽ phải tăng thời gian làm việc, đổi lại họ sẽ nhận được mức lương hưu cao hơn. Còn nhà kinh tế Tatiana Omelchuk thuộc Bộ Tài chính Nga thì cho rằng, việc "nhóm người già" làm việc lâu hơn sẽ không gây ra căng thẳng do Nga là nước có dân số già.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.