Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp bền vững

Gia Khánh| 24/06/2022 06:41

(HNM) - Những ngày qua, trên địa bàn một số quận, huyện như: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì, Gia Lâm… xuất hiện tình trạng rác thải sinh hoạt bị ùn ứ, không được thu gom, vận chuyển hết trong ngày. Có nơi, rác chất thành đống, tràn xuống lòng đường. Xe thu gom rác xếp thành hàng dài mà không được che đậy, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Đến ngày 21-6, lượng rác tồn đọng đã được xử lý xong.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do trời mưa lớn khiến đường cho xe chở rác ra vào bãi đổ tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) bị hư hỏng, phương tiện di chuyển khó khăn. Trong khi đó, khu vực tiếp nhận rác bị đầy, đơn vị vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn phải sử dụng xe ủi đẩy rác ra khá xa.

Cùng với đó, một số đơn vị thu gom rác chưa bố trí đủ phương tiện bảo đảm vận chuyển hết số rác thải sinh hoạt phát sinh trong ngày. Trong trường hợp ùn ứ rác, một số quận, huyện chưa bố trí được điểm trung chuyển, tập kết rác tạm thời, phủ bạt che, phun thuốc khử mùi, diệt côn trùng… như hướng dẫn. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do dự án xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện điều chỉnh tiến độ hoàn thành theo kế hoạch, dẫn đến lượng rác thải lẽ ra được phân luồng đến nhà máy xử lý vẫn phải giải quyết bằng cách chôn lấp. Thực tế, số lượng rác xử lý chôn lấp vượt số lượng đấu thầu và khi xảy ra sự cố về môi trường hay thời tiết thì việc ùn ứ rác thải là khó tránh khỏi.

Theo thống kê, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 5.000-5.500 tấn/ngày. Vì thế, việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại (như đốt rác phát điện) là giải pháp bền vững, vừa bảo đảm môi trường, không chiếm dụng đất đai như phương pháp chôn lấp, vừa biến rác thải thành sản phẩm có ích. Thành phố Hà Nội đã phê duyệt, kêu gọi đầu tư xây dựng một số nhà máy đốt rác, trong đó Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn đang ở giai đoạn chạy thử nghiệm. Do đó, để giải quyết căn cơ, chấm dứt việc ùn ứ rác thải, chủ đầu tư và cả các cơ quan quản lý của thành phố cần phối hợp, tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn, đẩy nhanh thủ tục đầu tư, sớm đưa nhà máy vào vận hành. Khi vận hành đủ công suất thiết kế, phần lớn lượng rác thải sinh hoạt phát sinh sẽ được xử lý bằng phương pháp hiện đại, khu vực chôn lấp được giảm tải đáng kể.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà máy đốt rác khác theo quy hoạch; đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư, đồng thời chủ động tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

Các đơn vị môi trường đô thị, trong đó chủ lực là Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cũng cần tính toán phương án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác có công nghệ hiện đại, không chỉ xử lý rác sinh hoạt mà còn xử lý rác nguy hại, rác thải công nghiệp; triển khai việc phân loại rác tại nguồn, thu gom rác tái chế hiệu quả…

Trước mắt, để tránh tình trạng ùn ứ rác như vừa qua trong khi nhà máy xử lý hiện đại chưa vận hành, đơn vị vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn cần chủ động phương án bố trí nhân lực, phương tiện sẵn sàng tăng thời gian tiếp nhận rác thải lên 24/24 giờ; phối hợp thông báo với các đơn vị thu gom rác khi có sự cố. Các địa phương có phương án bố trí dự phòng điểm trung chuyển, tập kết rác tạm thời theo hướng dẫn, không để rác thải ùn ứ trên đường, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.