(HNMO) - Chiều 14-7, tại Hà Nội, Văn phòng Liên hiệp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam (BTP) đã tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện
Hội thảo là diễn đàn để thảo luận, tìm hiểu sâu hơn và xây dựng các phản biện để có khuyến nghị hữu ích, hiệu quả về khung pháp lý Việt Nam nhằm giải quyết tình trạng bóc lột tình dục trẻ em, với trọng tâm là vấn đề du lịch tình dục trẻ em.
Hơn 100 đại biểu bao gồm các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà lập pháp, các chuyên gia pháp luật, các cán bộ thực thi pháp luật, các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác phát triển ở Việt Nam cũng như các chuyên gia từ Bộ Tư pháp, JICA, UNODC và các cơ quan khác của LHQ đã tham gia hội thảo. UNODC trình bày dự thảo báo cáo pháp lý và các đại biểu tham gia cập nhật các thay đổi trong pháp luật hình sự có liên quan; thảo luận các khuyến nghị của dự thảo báo cáo sửa đổi, vạch ra và thống nhất về các lĩnh vực cùng quan tâm cho các hợp tác trong tương lai.
Để kiểm tra mức độ đáp ứng của luật pháp trong nước với các tiêu chuẩn quốc tế quan trọng liên quan đến bóc lột tình dục trẻ em trong hoạt động lữ hành và du lịch, UNODC đã thực hiện các đánh giá luật ở Việt Nam (Campuchia, Lào và Thái Lan) vào năm 2014. Báo cáo này cập nhật lại báo cáo phân tích năm 2014. Nó đánh giá các khung pháp lý hiện hành ở Campuchia, Lào và Việt Nam so với các điều ước quốc tế quan trọng để đưa ra các tiêu chuẩn pháp lý về ứng phó tư pháp hình sự hiệu quả đối với du lịch tình dục trẻ em - tập trung vào việc hình sự hóa, bảo vệ các nạn nhân và nhân chứng trẻ em và các biện pháp hợp tác xuyên biên giới - và thông tin về các tiến bộ đạt được ở mỗi quốc gia từ năm 2014, góp phần xây dựng các biện pháp ứng phó tư pháp hình sự mạnh mẽ và hiệu quả hơn đối với vấn đề du lịch tình dục trẻ em trong khu vực.
Những năm gần đây, ở Việt Nam tình hình lạm dụng trẻ em và lạm dụng tình dục trẻ em nói riêng đã trở nên phức tạp hơn về bản chất, quy mô và mức độ nghiêm trọng. Ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam để kinh doanh, sinh sống, du lịch và học tập. Một số người trong số họ đã dính tới hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Ngoài ra, nhiều khách du lịch trong nước đã lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn của trẻ em và đã sử dụng các em cho mục đích bóc lột và lạm dụng tình dục. Việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng tình dục trong ngành Du lịch, bao gồm các biện pháp pháp lý để bảo vệ trẻ đã trở thành một vấn đề mang tính cấp bách. Gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình và chính sách nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và phòng chống lạm dụng trẻ em, bao gồm du lịch tình dục trẻ em ở Việt Nam.
Ông Christopher Batt, Phụ trách văn phòng UNODC tại Việt Nam nhấn mạnh: "Bên cạnh việc phản ánh những tiến bộ gần đây về luật pháp và chính sách ở các nước tham gia dự án, báo cáo này đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho công tác cải cách đang diễn ra - trên cơ sở các nỗ lực tích cực thực hiện từ năm 2014. Các khuyến nghị này là căn cứ mang tính xây dựng để các chính phủ thúc đẩy cải cách pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả hơn cuộc chiến chống lại những đối tượng phạm tội liên quan tới du lịch tình dục trẻ em".
Các vấn đề và mối quan tâm chính liên quan tới du lịch tình dục trẻ em ở Việt Nam và trong khu vực đã được thảo luận và phân tích tại hội thảo. Đây cũng là một kênh hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, nhà nghiên cứu và nhà hoạt động xã hội lên tiếng để có chính sách và biện pháp cải cách pháp luật và tư pháp trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.