(HNM) - Bất chấp một loạt biện pháp an ninh được tăng cường tại các khu vực công cộng thời gian gần đây, việc bảo đảm an ninh cho người dân Thái Lan vẫn đang là thách thức với Chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Trong đó, vụ nổ lựu đạn tại khu phố thương mại sầm uất ở thủ đô Bangkok cuối tuần qua khiến một người thiệt mạng được xem là ví dụ rõ nhất.
Vụ nổ trên xảy ra ngày 30-7, chưa đầy một tuần sau vụ đánh bom trước siêu thị Big C gần giao lộ Ratchaprasong ở trung tâm Bangkok, khiến một người thiệt mạng và 10 người bị thương. Vụ nổ trên xảy ra đúng một ngày sau khi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva quyết định dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp tại 6 trong tổng số 16 tỉnh, thành phố mà vẫn duy trì ở thủ đô Bangkok. Nhiều ý kiến cho rằng, hai vụ nổ trên được thực hiện với mục đích gây rối, tạo cớ buộc Chính phủ phải kéo dài thời gian áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng phụ trách an ninh Thái Lan Suthep Thaugsuban khẳng định, đây chỉ là hành động của một lực lượng nào đó nhằm hạ thấp uy tín của Chính phủ liên hiệp do Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đứng đầu.
Thực tế cho thấy, lệnh tình trạng khẩn cấp được áp đặt ở Bangkok và một số tỉnh, thành khác của Thái Lan từ ngày 7-4 đến nay do lo ngại các cuộc biểu tình chống Chính phủ của Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD), hay còn gọi là phong trào "áo đỏ" leo thang thành bạo lực. Nhưng đã hơn 3 tháng trôi qua mà tình hình vẫn chưa thực sự được cải thiện.
Trước thực trạng an ninh đất nước được cải thiện một cách chậm chạp, Nội các Thái Lan mới đây đã nhất trí trao toàn quyền cho Thủ tướng Abhisit Vejjajiva trong việc quyết định dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, hiện vẫn đang có hiệu lực ở Bangkok cũng như 10 tỉnh, thành phố khác. Đây là lần đầu tiên nội các Thái Lan trao quyền cho Thủ tướng được dỡ bỏ hay không tình trạng khẩn cấp, nhằm kịp thời tăng cường an ninh hơn nữa cho thủ đô Bangkok nói riêng, đất nước Thái Lan nói chung. Song những gì diễn ra tại Thái Lan những ngày cuối tuần qua cho thấy, đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh chính trường Thái Lan còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh.
Cuộc biểu tình đường phố của lực lượng "áo đỏ" đã chấm dứt. Tình hình Thái Lan tưởng như đã lắng dịu, có xu hướng đi vào ổn định, thế nhưng những đợt sóng ngầm vẫn đang cuộn lên trong lòng chính trường xứ Chùa Vàng. Trong bối cảnh đảng Dân chủ của Thủ tướng Abhisit đang phải đối mặt với các cáo buộc dẫn tới nguy cơ giải tán, việc Bộ phận Hình sự của Tòa án tối cao Thái Lan chuẩn lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vì đã cố ý khai báo sai sự thật về tài sản để gửi cho Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) và không có mặt tại tòa mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, có thể trở thành những cơn sóng ngầm trên chính trường Thái Lan.
Mặc dù rất lo ngại về khả năng căng thẳng sẽ leo thang, song trong cuộc họp khẩn cấp chỉ huy các đơn vị an ninh và tình báo để thảo luận tình hình an ninh trên cả nước cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon vẫn khẳng định: Chính phủ có đủ khả năng kiểm soát tình hình và sẽ nỗ lực bảo đảm an ninh cho dân chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.