(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca bệnh (F0) là công nhân lao động ngày càng nhiều khiến các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp đã nỗ lực xoay xở bằng nhiều cách, bên cạnh đó rất cần các cấp công đoàn, cơ quan chức năng đồng hành hỗ trợ để vượt qua giai đoạn đầy thách thức do dịch bệnh...
Khó khăn vì thiếu nhân lực
Hiện nay, tại một số doanh nghiệp, số công nhân lao động, cán bộ, nhân viên mắc Covid-19 liên tục tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo bà Nguyễn Hương Lan, cán bộ Phòng Nhân sự Công ty cổ phần Yamaguchi Việt Nam (xã Minh Khai, huyện Hoài Đức), hiện 50% người lao động của công ty là F0, đã tạm thời nghỉ việc, một số F1 cũng phải cách ly theo quy định, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Giải pháp tạm thời trước mắt là công ty động viên, hướng dẫn công nhân thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe để sớm có thể quay trở lại làm việc.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thanh An (quận Long Biên) Bùi Thị Thanh Khuyên cũng cho biết, công ty đang có số lượng F0 cao nhất kể từ đợt dịch thứ tư (từ 24-7-2021), lên đến 50% tổng số lao động. Lao động khối văn phòng, hành chính bị bệnh có thể lùi các công việc giấy tờ, chờ xử lý sau; riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ đứt gãy nếu thiếu nhân lực.
Một số doanh nghiệp nhỏ cũng lâm cảnh lao đao, người lao động rất vất vả. Chị Nguyễn Thúy Hạnh (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) cho biết, là F0 nhưng chị vẫn phải làm việc trực tuyến tại nhà để bảo đảm doanh số công ty giao. Khi khỏi bệnh, chị đến công ty làm việc thì lại có đồng nghiệp khác là F0. Cứ tiếp xúc như vậy, chị rất lo sẽ mắc bệnh trở lại...
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng, công đoàn các khu công nghiệp cập nhật số lượng công nhân là F0, F1 hằng tuần. Từ sau Tết, lượng công nhân là F0 tăng mạnh so với trước Tết, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động.
Cần chính sách hỗ trợ dài hơi
Để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp đã xoay xở bằng nhiều cách. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam Phan Thanh Hải cho biết, trước đây công ty tuyển dụng lao động theo tuần thì nay phải tuyển dụng hằng ngày để bảo đảm số lượng người làm việc. Những vị trí có thể làm thêm được thì bố trí công nhân tăng ca để duy trì sản xuất. Công ty đặc biệt chú trọng an toàn phòng dịch cho người lao động theo quy định “5K”, test nhanh khi người lao động có biểu hiện sốt, ho, khó thở để cách ly kịp thời, bố trí khoảng cách làm việc, phân chia bữa ăn ca…
Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, theo thông tin tổng hợp từ các công đoàn cơ sở, hiện nay một số công ty có nhiều công nhân mắc Covid-19 phải tuyển gấp lao động hoặc sử dụng biện pháp thuê lại lao động từ các công ty khác trong thời gian ngắn để bảo đảm hoạt động sản xuất. Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, chia sẻ, đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp. Trước mắt, các công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động để tuyển lao động mới; công đoàn tham gia tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người lao động nắm bắt thông tin về lương thưởng, chế độ, thủ tục ký hợp đồng lao động.
Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Quang Thành, các phiên giao dịch việc làm là cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp thiếu hụt lao động có thể tuyển chọn, bù đắp nguồn nhân lực. Vì vậy, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối nhiều địa phương để giải quyết nhu cầu tìm việc của người lao động cũng như tuyển dụng lao động từ phía doanh nghiệp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, các cấp công đoàn đang tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của người lao động, đặc biệt là trong các khu công nghiệp và chế xuất để kịp thời thăm hỏi động viên, chăm lo, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Công đoàn cũng đề nghị người sử dụng lao động tích cực quan tâm, chăm lo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời vận động đoàn viên, công nhân, lao động sẵn sàng đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp trong đại dịch.
“Về lâu dài, để khắc phục tình trạng thiếu lao động do dịch bệnh, cần có nghiên cứu tổng thể, khách quan, toàn diện về thực trạng đời sống của người lao động tại các khu nhà trọ để đề xuất các chính sách dài hạn cho đối tượng lao động nhập cư. Bên cạnh đó cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, công nhân lao động”, ông Lê Đình Hùng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.