(HNM) - Sau nhiều năm mức giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ì ạch, thì năm nay lại chứng kiến một tình huống trái ngược khi mức giải ngân tăng khá đều qua các tháng. Các chuyên gia cho rằng, đây là sự đảo chiều ngoạn mục, đánh dấu sự vươn lên liên tục, đáng khích lệ của khu vực kinh tế có vốn nước ngoài ở Việt Nam.
Sản xuất máy in laser tại Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân vốn ĐTNN 11 tháng qua tăng rất cao, đạt hơn 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, nhiều dự án đã đi vào hoạt động, trở thành động lực trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
Có thể nói, kết quả giải ngân nói trên là rất đáng ghi nhận, bởi trong nhiều năm qua chưa có năm nào mức giải ngân vốn ĐTNN vượt con số 12 tỷ USD. Bên cạnh đó, cũng nhờ sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch xuất khẩu cao và liên tục xuất siêu (xuất siêu gần 15 tỷ USD, trong khi DN trong nước lại nhập siêu tới 18,8 tỷ USD giá trị hàng hóa) nên khu vực DN có vốn nước ngoài đã góp phần bù đắp một phần quan trọng cũng như làm giảm mức độ nhập siêu của nền kinh tế nói chung.
Các chuyên gia nhận định, việc chủ dự án nước ngoài thực hiện giải ngân nhanh và đạt mức cao cho thấy tín hiệu tốt của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đang được cải thiện. Ngày càng nhiều nhà ĐTNN chủ động tìm đến Việt Nam như một điểm hẹn hấp dẫn, có khả năng thu được lợi nhuận. Đơn cử, hiện có 70% số DN Nhật Bản cho biết sẵn sàng đầu tư lâu dài ở Việt Nam, đặc biệt cứ 4 DN sau khi rời khỏi thị trường Trung Quốc đều có ý định tái lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam vì tìm thấy sự an toàn, vì sự bảo đảm về chính trị, môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như tình trạng ổn định về kinh tế vĩ mô bên cạnh thực tế hệ thống hạ tầng đang được nâng cấp, hoàn thiện liên tục theo hướng đồng bộ và hiện đại.
Các chuyên gia dự báo, tình hình và diễn biến phát triển kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ có nhiều triển vọng, với niềm tin đang trên đà gia tăng của giới đầu tư quốc tế. Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương cũng như Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra sự hấp dẫn mạnh mẽ như một "cú hích" đối với hoạt động ĐTNN khi họ chủ động xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhằm sản xuất và xuất khẩu hàng sang quốc gia thứ 3 để được hưởng thuế suất thấp. Riêng cộng đồng DN Nhật Bản sẽ tiếp tục là gương mặt sáng giá, đầy hy vọng với vị trí là nhà đầu tư hàng đầu, cùng với sự nổi lên của các nhà đầu tư Mỹ khi họ khẳng định sẽ nỗ lực để sớm trở thành đối tác số 1 ở Việt Nam. Mặt khác, trong xu thế từng bước hồi phục và "ấm" dần lên của thị trường bất động sản thì tốc độ thực hiện các dự án bất động sản sẽ tăng nhanh, kéo theo mức giải ngân vốn ĐTNN tiếp tục gia tăng.
Thực tế cho thấy, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã, đang khẳng định rõ vai trò, tầm quan trọng cũng như sự đóng góp vào công cuộc phát triển KT-XH Việt Nam. Vấn đề là làm sao khu vực này phát huy được thế mạnh nhiều hơn nữa, nhất là trong việc chuyển giao công nghệ, sức lan tỏa và liên kết với DN nội địa để nâng cao quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Dự đoán xu hướng dịch chuyển dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp diễn mạnh mẽ, tạo ra cơ hội tốt cho DN trong nước đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó chủ yếu nhờ vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ để đảm nhận chức năng là nhà cung cấp linh kiện, chi tiết cho nhà ĐTNN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.