(HNM) - Trăn trở về thực trạng công tác Đoàn chưa đồng đều, nhất là công tác cán bộ; băn khoăn về sự bền vững và tầm của các phong trào do Đoàn tổ chức; chưa yên tâm vì nhận định về tình hình thanh niên trong 5 năm tới chưa sát, trúng… từ đầu năm đến nay, TƯ Đoàn tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ X, nhằm xây dựng tài liệu quan trọng nhất của ĐH vừa có tính thời sự, vừa thể hiện được nhiệt huyết của tuổi trẻ, mang hơi thở thời đại…
Tại hội nghị diễn ra ngày 16-10, những ý kiến trao đổi tâm huyết, chân tình thể hiện cái "tâm" và "tầm" cũng chính là mong muốn của những người từng là "thủ lĩnh" Đoàn các thời kỳ đối với công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi trong giai đoạn mới. Trong đó, vấn đề chăm lo nghề nghiệp, việc làm; giáo dục nhân cách; tích cực đấu tranh loại bỏ cái ác, cái xấu để bảo vệ thanh niên… được trao đổi, phân tích sâu và đề nghị phải được thể hiện nổi bật trong văn kiện ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ X tới đây.
Thanh niên tình nguyện Thủ đô khám bệnh cho người dân Lào. Ảnh: Phong Thu |
Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Bí thư TƯ Đoàn cho rằng, ngôn từ trong dự thảo văn kiện ĐH Đoàn còn mang tính khẩu hiệu, cần được "giải mã", truyền tải bằng ngôn ngữ đời sống để thanh niên dễ hiểu, tiếp thu và thực hiện. Để thực hiện chức năng "trường học xã hội chủ nghĩa", trong nhiệm kỳ tới đây, các cấp bộ Đoàn phải thực hiện hai vấn đề cốt yếu. Đó là bồi dưỡng giáo dục nhân cách làm người (trở thành người chân chính) và giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên. Vấn đề nghề nghiệp không cần chú trọng quá mức vào dạy nghề, tạo việc làm, mà bước đầu hãy làm tốt việc định hướng nghề nghiệp, hướng dẫn thanh niên chọn nghề, học nghề theo năng lực, sở trường. Khi mỗi thanh niên tìm được việc làm, có thu nhập bảo đảm cuộc sống, sẽ dễ thăng tiến trong sự nghiệp, dễ thực hiện thành công ý tưởng, ước mơ hoài bão lớn.
Theo nguyên Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Hà Quang Dự, nhận định về tình hình thanh niên trong 5 năm tới trong dự thảo vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thanh niên. Lịch sử cho thấy, ở bất kỳ nơi khó khăn, gian khổ nào, thanh niên cũng có mặt, xung kích đi đầu đảm đương những việc mới, việc khó; nhiều cán bộ Đoàn trưởng thành đã trở thành lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Vì thế, văn kiện cần nêu bật được những đóng góp, cống hiến của các tầng lớp thanh niên; hiệu triệu, tập hợp được đông đảo đoàn viên, thanh niên hăng hái tham gia các phong trào hành động cách mạng của Đoàn. Đó cũng là đòi hỏi của xu thế phát triển mới của thanh niên. Đánh giá đúng tình hình chính là cơ sở để xác định đúng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi nhiệm kỳ mới.
Một nội dung trong dự thảo phương hướng là giúp thanh niên "làm chủ khoa học", theo các ý kiến của cựu cán bộ Đoàn thì đây là mục tiêu quá cao đối với tổ chức Đoàn. Chỉ nên làm tốt vấn đề khơi gợi, tạo điều kiện giúp thanh niên tiếp cận khoa học, kỹ thuật, công nghệ; còn đến mức "làm chủ" thì còn phải cố gắng, tính toán kỹ càng hơn nữa… Nhiều ý kiến bày tỏ, thời gian gần đây, Đoàn tổ chức rất nhiều phong trào, nhưng ít có phong trào trụ và quy tụ xuyên suốt thời gian dài. "Trăm hoa đua nở", các cấp bộ Đoàn sáng tạo nhiều phong trào, hoạt động, nhưng không trên nền tảng chung, giá trị chung. Không cần thiết cứ nhiệm kỳ nào cũng có một phong trào mới, mà một phong trào có thể nuôi dưỡng, thực hiện từ 10 đến 15 năm, thậm chí dài hơn nữa để đạt mẫu số chung cao nhất, giá trị nhất. Mọi hoạt động, chương trình công tác của các cấp bộ Đoàn, hội đều hướng mục tiêu của phong trào đó, giá trị sẽ lớn và thiết thực với tuổi trẻ và xã hội.
Thời gian qua, có cán bộ Đoàn cơ sở tỏ ý "trách" cấp ủy Đảng và chính quyền chưa tin tưởng giao công trình, phần việc cho Đoàn. Theo các cựu cán bộ Đoàn, điều này là do bản thân tổ chức Đoàn và đội ngũ cán bộ nhiều nơi chưa nghiên cứu kỹ nghị quyết, chủ trương của cấp ủy Đảng, chính quyền ở đó, nên thiếu sáng kiến, chưa đề xuất được công trình, phần việc thanh niên phù hợp…
Những nội dung nêu trên thể hiện chiều sâu nhận thức tư tưởng về Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên, cần được vận dụng đúng, trúng để có bước đột phá, kiến thiết được phong trào, chủ trương thích hợp, mang lại lợi ích thiết thực cho giới trẻ trong nhiệm kỳ mới của Đoàn. Đây là kỳ vọng không chỉ của các thế hệ thanh niên Việt Nam mà là của cả cộng đồng. Mặt khác, các cấp bộ Đoàn cần làm tốt chức năng tư vấn, tham mưu; biết dựa vào cấp ủy, chính quyền và phối hợp tốt với các đoàn thể khác để thực hiện và giám sát quá trình thực thi chính sách dành cho thanh, thiếu niên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.