(HNM) - Theo Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh thành phố Cần Thơ phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright công bố, tính đến giữa tháng 12-2020, chiều dài đường cao tốc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước. Hiện mới chỉ có tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (Tiền Giang) dài khoảng 40km đi vào hoạt động.
Các trục đường bộ chính phổ biến trong vùng chỉ có hai làn xe ô tô và một làn xe máy cho mỗi bên, trong khi một số trục đường khác chỉ có một làn xe ô tô và một làn xe máy cho mỗi bên. Nếu so sánh giữa các vùng miền trong cả nước, chiều dài đường cao tốc của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ hơn khu vực Tây Nguyên, thấp hơn miền núi phía Bắc, Đồng bằng Trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Theo VCCI chi nhánh Cần Thơ, sự yếu kém của hệ thống giao thông kết nối vùng cũng như giữa Đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ là một "nút thắt" quan trọng cho sự phát triển của vùng. Một số tuyến cao tốc trong vùng, dù đã được thực hiện và quy hoạch, nhưng khả năng thu xếp vốn vẫn chưa rõ ràng.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông - Vận tải đã và đang xây dựng quy hoạch hệ thống cao tốc phân kỳ đầu tư ở giai đoạn 2021-2025, khu vực phía Nam (bao gồm cả Đồng bằng sông Cửu Long) dự kiến có thêm 670km đường cao tốc; giai đoạn 2026-2030 khu vực phía Nam sẽ có thêm 300km đường cao tốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.