(HNMO) – Chiều 27/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chủ trì buổi họp cùng các sở, ngành, quận, huyện bàn thảo sơ bộ đánh giá Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông...
Ảnh minh họa từ internet. |
Tại cuộc họp, ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Giai đoạn 2012-2015, TP đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, trong đó tập trung hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 11 công trình thuộc mục tiêu. Cụ thể như, đã hoàn thành 7/7 cầu vượt nhằm giải quyết một số điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Ngoài ra, đã triển khai nhiều giải pháp về tổ chức giao thông phân luồng, đảm bảo ATGT để thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn TP như đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội, nhà ga T2 Nội Bài, đường vành đai 1, vành đai 2, đường 5 kéo dài… Trong giai đoạn này, tổng kinh phí đã bố trí cho chương trình là 1.414 tỷ đồng, trong đó chiếm đến 1.224 tỷ đồng dành cho xây dựng cơ bản. Ngoài ra, phối hợp với Bộ GTVT triển khai đầu tư xây dựng các dự án lớn, giảm ùn tắc trên địa bàn Thủ đô và các cửa ngõ.
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng cũng được tăng từ 76 tuyến với 404 triệu lượt khách được vận chuyển từ năm 2008 lên 91 tuyến với 700 triệu lượt khách. Mạng lưới vận chuyển xe buýt công cộng hàng năm đều được điều chỉnh, mở rộng, phục vụ các khu vực ngoại thành kết nối với trung tâm TP…
Nhờ những giải pháp đồng bộ, trên địa bàn TP vào năm 2012 có 89 điểm, tuyến đường ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc. Đến năm 2014 đã giải quyết dứt điểm 55 điểm, tuyến đường, phát sinh 12 điểm mới. Năm 2015 đã giải quyết được 4 điểm, phát sinh thêm 9 điểm mới. Như vậy, đến nay trên địa bàn TP đã giải quyết được 59 điểm, tuyến đường ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc, đạt 219% so với kế hoạch đề ra, còn 51 điểm, tuyến đường ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc.
Trên địa bàn TP, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí (số điểm ùn tắc giảm, giảm số người chết và bị thương). Nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng nay đã được giải quyết cơ bản.
Mặc dù đã thu được nhiều kết quả khả quan sau khi thực hiện Chương trình mục tiêu giảm thiểu UTGT giai đoạn 2012-2015 nhưng Sở GTVT thừa nhận còn nhiều bất cập, tồn tại đối với mạng lưới GTVT và chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn. Dự báo tình trạng UTGT sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường đòi hỏi phải xây dựng Chương trình mục tiêu giảm thiểu UTGT giai đoạn 2015- 2020, đề ra các giải pháp cụ thể, các dự án khả thi, sát với thực tế để cơ bản khắc phục tình trạng UTGT nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và kìm hãm sự phát triển KT-XH Thủ đô.
Giai đoạn 2015-2016, Hà Nội dự kiến tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp như: Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông để giảm thiểu tình trạng UTGT tại các khu vực nội đô (từ đường Vành đai 3 trở vào) và trên tất cả các trục hướng tâm chính ra vào nội đô; các đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3; các khu vực đầu mối giao thông (các cửa ngõ giao thông, các bến xe).
Bên cạnh đó, TP cũng tập trung tạo sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đó là việc gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ngành có liên quan trong việc đảm bảo trật tự an toàn gian thông thông và chống UTGT trên địa bàn; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và siết chặt kỷ cương, trật tự trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lĩnh vực hoạt động vận tải, quản lý chặt chẽ tải trọng phương tiện, quản lý các bến xe.
Chương trình năm 2016- 2020 dự kiến đưa ra sẽ giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài; Cải tạo, sữa chữa hoặc lắp đặt tín hiệu giao thông độc lập. Dự kiến sẽ cải tạo 50 tuyến đường, nút giao và lắp đặt 56 nút đèn tín hiệu; Lắp đặt cầu thép lắp ghép trên sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…. Dự kiến sẽ lắp đặt 10 dàn Benley; lắp đặt 10 cầu vượt cho người đi bộ.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội kiến nghị việc tổ chức giao thông trên địa bàn Thủ đô có những chỗ, điểm chưa phù hợp, cần điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong giai đoạn tiếp theo. Ví như, liên quan đến đường sắt, hiện đang còn 401 đường ngang dân sinh chưa có rào chắn, đèn cảnh báo, hay người gác trên 581 đường ngang. Đối với ô tô có kiểm định, có quy định thời gian sử dụng, nhưng xe máy thì chưa có quy định, dùng vô thời hạn vì chưa có quy định cụ thể xử lý.
Đại tá Thắng đề nghị áp dụng CNTT vào đảm bảo ATGT, camera đáp ứng trên địa bàn Thủ đô chưa đáp ứng, còn thiếu, nên tính tự giác của người tham gia giao thông chưa cao; đề nghị nghiên cứu đề xuất lắp thêm đèn chỉ huy giao thông, kể cả các huyện ngoại thành; ánh sáng cho các tuyến quốc lộ, các cửa ngõ ra vào Thủ đô…
Tại cuộc họp, đại diện Ban Pháp chế - Hội đồng Nhân dân TP cũng cho biết: Hội đồng Nhân dân TP sẽ họp vào tháng 12 tới và Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông sẽ được xem xét triển khai cho giai đoạn 2016-2020. Rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, giai đoạn tới cần thống nhất mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, còn danh mục các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư công và dựa theo nguồn lực của TP trong từng thời điểm cụ thể.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông 2012-2015 có kết quả rõ rệt và hiệu quả, HĐND giao UBND TP đánh giá thực hiện Nghị quyết 17, đồng thời xây dựng chương trình kế hoạch 2016-2020. Nhiệm vụ chống ùn tắc trên địa bàn TP lâu dài và bền bỉ, không thể một sớm một chiều. Tốc độ phát triển KT XH gia tăng thì việc giải quyết ùn tắc giao thông cũng rất phức tạp. Đây là bài toán khó cần giải quyết. Chương trình này nhằm vào các mũi nhọn đột phá, không phải là chương trình tổng thể liên quan đến giảm UTGT, theo đó không có các đề xuất như chuyển các trường học, bệnh viện ra ngoại thành; xây dựng đô thị vệ tinh, xây dựng các tuyến đường sắt…
Trong giai đoạn tới, một trong những đột phá của TP là gia tăng ứng dụng công nghệ, kết nối hệ thống giao thông trên địa bàn TP về trung tâm để điều hành phân luồng, bố trí lực lượng, giảm UTGT.
Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh, chương trình dự thảo về mục tiêu nhằm giảm thiểu UTGT trên địa bàn TP giai đoạn 2016- 2020 sẽ gửi đến 30 quận, huyện, thị xã và các cơ quan đoàn thể, các hội nghề nghiệp… đóng góp ý kiến. Các địa bàn phải đề xuất giải pháp giảm thiểu UTGT trên địa bàn của mình (ý kiến về những vấn đề làm được, chưa làm được, cần phải thực hiện và giải pháp như thế nào?).
Phó Chủ tịch cũng nêu rõ, trong giai đoạn tới, cần nâng cao công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia giao thông, xem xét phương án hiệu quả hơn từ Sở Giáo dục-Đào tạo đến lĩnh vực GTVT…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.