(HNM) - Trước thực trạng quy hoạch
Cận cảnh một con ngõ "ổ chuột". |
Tuy nhiên, để đi đến thống nhất phương án khả thi, các cơ quan chức năng liên quan cần xem xét thấu đáo trên cơ sở ý kiến người dân và thực tế triển khai quy hoạch Công viên Tuổi trẻ trong bối cảnh hiện nay.
Người dân đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch
Ngày 13-4-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định (QĐ) số 442/QĐ-TTg về việc giao đất để tổ chức giải phóng mặt bằng (GPMB) chuẩn bị đầu tư xây dựng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, với tổng diện tích thu hồi 262.776m2 đất. Đến ngày 29-11-2001, UBND TP Hà Nội ban hành QĐ số 7180/2001/QĐ-UBND việc giao đất cho Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội tổ chức GPMB, chuẩn bị đầu tư dự án Công viên Tuổi trẻ.
Theo đó, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho UBND quận Hai Bà Trưng và các sở ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Hơn một năm sau, ngày 30-12-2002, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành QĐ 9010/QĐ-UB về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Công viên Tuổi trẻ, giao nhiệm vụ chủ đầu tư là Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội (trực thuộc Thành đoàn Hà Nội) với tổng kinh phí khái toán 282,82 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2002-2006 (gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2002-2005, triển khai phía tây và nam công viên; giai đoạn 2 từ quý IV năm 2004-2006 triển khai phía Đông công viên). Mục tiêu dự án ghi rõ "phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân".
Về việc này, theo thông tin từ UBND quận Hai Bà Trưng, từ năm 2001 đến nay, quận Hai Bà Trưng đã thực hiện GPMB giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành, công tác GPMB giai đoạn 2 chưa được thực hiện vì chưa có kế hoạch bố trí vốn ngân sách và quỹ nhà tái định cư của thành phố. Về thực trạng này, đại diện UBND quận Hai Bà Trưng thừa nhận: Nguyên nhân phát sinh đơn thư kiến nghị của nhân dân là mong muốn sớm ổn định cuộc sống và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân do nằm trong ranh giới dự án Công viên Tuổi trẻ có quá trình triển khai quá lâu (15 năm kể từ khi có quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính phủ). Trong khi đó khu dân cư số 4 lại nằm trong khu vực có quyết định thu hồi đất nên bị hạn chế các quyền: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống, an ninh xã hội...
Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Triệu Như Long cho biết, toàn bộ diện tích KDC số 4 khoảng 4ha nằm trọn trong ranh giới GPMB giai đoạn 2 của dự án Công viên Tuổi trẻ, với tổng số 576 hộ/1.746 nhân khẩu hiện đang ăn, ở ổn định. Hiện trạng công trình trên đất, theo điều tra có 289 nhà tạm 1 tầng, 170 nhà cao 2 tầng, 68 nhà cao 3 tầng và 5 nhà cao 4 tầng. Ông Long cho biết thêm, quận Hai Bà Trưng đã tiến hành khái toán sơ bộ kinh phí GPMB theo chính sách hiện hành, với tổng kinh phí lên đến 2.500 tỷ đồng; nhu cầu tái định cư khoảng 812 căn hộ.
Chia sẻ về cuộc sống "4 không" của người dân cụm dân cư số 4, ông Triệu Như Long cho biết, do toàn bộ hộ dân nằm trong dự án đã có quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính phủ nên không đủ điều kiện thực hiện các việc như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng nhà ở, tách - nhập hộ khẩu. Bên cạnh tình trạng nêu trên, công tác quản lý của chính quyền địa phương cũng gặp không ít trở ngại, cụ thể là nạn lấn chiếm hè đường phía bờ kè hồ Thanh Nhàn làm nhà tắm, làm bếp, để xe, kho chứa đồ... thường xuyên xảy ra.
Tháng 8-2015, UBND phường đã tổ chức giải tỏa 44 trường hợp vi phạm ở khu vực này. Đề cập đến đời sống dân sinh của gần 1.800 nhân khẩu, theo ông Long, để giảm bớt khó khăn cho nhân dân, năm 2014, phường Thanh Nhàn đã đầu tư một số công trình hạ tầng thiết yếu cho KDC số 4 như đường giao thông, cấp thoát nước và thiết bị chiếu sáng. UBND phường đã đề nghị UBND quận áp dụng cơ chế đặc thù đối với những hộ gia đình có nhà ở quá xuống cấp sẽ được cấp phép tạm trên cơ sở sửa chữa, cải tạo nguyên trạng, với quy mô 1 tầng và 1 tum. Đối với những hộ không chấp hành theo đúng quy định, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, lập biên bản. "Chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ với người dân nhưng nếu sai phải xử lý theo pháp luật, không làm ở đây sẽ trở thành điểm nóng trật tự xây dựng" - ông Long khẳng định.
Trong một diễn biến mới nhất, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã phối hợp với quận Hai Bà Trưng tổ chức lấy ý kiến, phân loại nguyện vọng của các hộ dân. Theo kết quả công bố, 100% số hộ dân (532/532) khi được hỏi đều không đồng ý tiếp tục triển khai dự án theo quy hoạch được duyệt và đề nghị đưa KDC số 4, phường Thanh Nhàn ra khỏi ranh giới dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đồng thời điều chỉnh lại quy hoạch. Như vậy, tâm tư, nguyện vọng của người dân KDC số 4 là mong một cuộc sống ổn định, bảo đảm đầy đủ các quyền lợi, nghĩa vụ sau 45 năm sống trong thấp thỏm, âu lo.
Phương án giải cứu "dự án treo"
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng nhân dân, ngày 30-9-2015, sau khi đã thống nhất với quận Hai Bà Trưng, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có văn bản số 4395/BC-QHKT báo cáo UBND TP Hà Nội, đề xuất cụ thể 2 phương án "giải cứu" KDC số 4, phường Thanh Nhàn. Theo đó, phương án 1 đề xuất tiếp tục triển khai dự án, giữ nguyên ranh giới dự án, không điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt. Theo phương án này, Sở Quy hoạch Kiến trúc đề nghị thành phố bố trí đủ kinh phí, quỹ nhà tái định cư để GPMB. Ưu điểm của phương án này là bảo đảm tính nhất quán trong quá trình quản lý theo các đồ án quy hoạch được duyệt.
Tuy nhiên, nhược điểm là kinh phí GPMB (khoảng 2.500 tỷ đồng) và quỹ nhà tái định cư (hơn 800 căn hộ) là con số khá lớn. Phương án 2, đề xuất điều chỉnh ranh giới dự án và điều chỉnh quy hoạch, đưa KDC số 4 phường Thanh Nhàn ra khỏi ranh giới quy hoạch. Ưu điểm của phương án này là được người dân đồng tình ủng hộ; nhược điểm là không nhất quán trong quản lý quy hoạch; nếu điều chỉnh sẽ phức tạp, không thể làm "ngày một ngày hai" vì có liên quan đến nhiều quy hoạch khác như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch hệ thống Công viên cây xanh, vườn hoa và hồ thành phố... và phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cùng với các phương án này, một vấn đề khác được Sở Quy hoạch Kiến trúc và quận Hai Bà Trưng đưa ra là việc giải quyết tồn tại của chủ đầu tư dự án. Sau khi Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ (đơn vị đã được UBND TP Hà Nội giao là chủ đầu tư từ năm 2002) sáp nhập vào Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội, việc xác định đơn vị tiếp tục triển khai dự án cần có quyết định chính thức. Điều này liên quan trực tiếp đến thực hiện quy trình thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch (nếu có), xác định cơ chế tiếp tục thực hiện dự án, xác định nguồn lực, kinh phí, quỹ nhà tái định cư… Ngoài ra, để triển khai các phương án kể trên, dự án cũng cần phải chốt điểm dừng giai đoạn 1 để tiếp tục triển khai giai đoạn 2, đưa vào danh mục dự án trọng điểm của thành phố trong kế hoạch bố trí vốn giai đoạn 2016-2020, đồng thời vẫn phải giải quyết vấn đề an sinh xã hội của người dân hiện đang trong khu vực quy hoạch nhưng chưa triển khai dự án.
Tiếp tục xem xét mức độ khả thi của 2 phương án nói trên, trong cuộc họp mới đây của liên ngành và quận Hai Bà Trưng, đã cơ bản thống nhất lựa chọn phương án 1; trong trường hợp thành phố xem xét yếu tố kinh tế, khả năng bố trí vốn, quỹ nhà tái định cư và hiệu quả đầu tư dự án, vấn đề an sinh xã hội thì thực hiện theo phương án 2. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Triệu Như Long cho rằng, việc lựa chọn thực hiện theo quy hoạch hoặc đưa khu dân cư số 4 ra khỏi vùng ranh giới quy hoạch, đề nghị thành phố sớm có lộ trình triển khai để người dân có thể ổn định cuộc sống và bảo đảm các quyền lợi, nghĩa vụ dân sinh. Ông Long cũng kiến nghị trước mắt thành phố có thể xem xét áp dụng cơ chế đặc thù như thực hiện cấp quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng... để bảo đảm đời sống hằng ngày của người dân nơi đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.