(HNMO) - Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm cho thế giới rơi vào giai đoạn vô cùng khó khăn khi các nền kinh tế với các mức độ khác nhau đều suy thoái. Hệ quả là hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc giảm khả năng đầu tư.
Tuy nhiều doanh nghiệp vẫn nhận thức được giá trị của các hoạt động truyền thông và nỗ lực khẳng định thương hiệu với công chúng, nhưng cần có một sự đánh giá khách quan, khoa học và nhìn nhận tổng thể về vai trò của một chiến lược truyền thông và tiếp thị mới để vượt qua khủng hoảng.
Khủng hoảng kinh tế và một góc nhìn khác về quản trị thương hiệu
Khi sự cạnh tranh trong kinh doanh ngày càng khốc liệt thì việc chuyển một thông điệp đến với khách hàng một cách hiệu quả cũng ngày càng khó khăn. Từ việc xác định khách hàng mục tiêu đến sáng tạo thông điệp, từ việc chọn phương tiện chuyển tải thông điệp đến sử dụng ngân sách truyền thông là cả một quy trình dài. Rất nhiều người đã biết về quản trị truyền thông. Nhưng với người quản lý doanh nghiệp, chỉ biết thôi chưa đủ, cần có tư duy, phương pháp hoạch định và quản trị công việc truyền thông phù hợp.
Có rất nhiều cách hiểu và cách làm khác nhau, nhưng xây dựng và quản trị thương hiệu luôn luôn là một thách thức lớn đòi hỏi những nhà quản trị phải có những hiểu biết sâu sắc về xây dựng và quản trị thương hiệu.
Ông Phạm Vinh Quang sẽ tham gia làm diễn giả trong hội thảo “Quản trị truyền thông thời kỳ khủng hoảng” tổ chức ngày 11/8/2012 |
“Nhiều nhà quản trị nghĩ rằng, xây dựng và quản trị thương hiệu đơn giản là quảng cáo, nhưng chắc chắn quảng cáo không phải là cách duy nhất để tạo dựng một thương hiệu, quảng cáo có lẽ chỉ là cách đắt nhất thôi”, ông Phạm Quang Vinh, giám đốc Công ty Pham & Partners, đối tác đại diện tại Việt Nam của Interbrand - công ty tư vấn hàng đầu thế giới về quản trị thương hiệu, nhận xét.
Làm mới thông điệp truyền thông
Ông Trần Bảo Minh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Á Châu, nguyên giám đốc tiếp thị Vinamil và TH Truemilk cho rằng, thông điệp truyền thông là giai đoạn cuối của cả một quá trình xác lập, định vị của sản phẩm, của thương hiệu hoặc của cả công ty trong lĩnh vực DN kinh doanh. Thông điệp phải làm được nhiệm vụ là nói lên điều gì đó để người tiêu dùng thấy thích sản phẩm, quan tâm đến sản phẩm. Những câu hỏi quan trọng trong chiến lược định vị mà DN phải trả lời là: Làm cái gì? Làm cho ai? Thỏa mãn nhu cầu gì của khách hàng? Tại sao người ta dùng nó? Trong đó, trả lời câu hỏi: Làm cho ai? Việc biết khách hàng mục tiêu của mình là ai là vô cùng quan trọng trong việc hoạch định chiến lược truyền thông. Từ đó DN mới có thể chọn kênh truyền thông phù hợp với đối tượng khách hàng đó.
Trong thời kỳ khủng hoảng và nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, thông điệp truyền thông cần dựa trên yếu tố cơ bản của những lợi ích mang tính chức năng thiết thực của đối tượng khách hàng. Bởi, trong thời kỳ khó khăn, người tiêu dùng sẽ hy sinh những giá trị cảm xúc để ưu tiên cho những giá trị mang tính chức năng như giá cả sản phẩm, sự thuận tiện...
Xây dựng thương hiệu từ bên trong
Trong nhiều doanh nghiệp, sự liên kết lỏng lẻo giữa các phòng ban dẫn tới việc phòng Marketing đã đưa ra rất nhiều hứa hẹn với khách hàng nhưng bộ phận thực hiện không thể đáp ứng được, đặc biệt là về mặt tiến độ thực hiện. Hoặc khi khách hàng có khiếu nại thì các bộ phận đổ lỗi cho nhau, làm ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp.
Thương hiệu của doanh nghiệp cần được bắt đầu xây dựng từ bên trong. Và chính sức mạnh nội bộ sẽ bảo vệ thương hiệu khi những “cuộc chiến” trên thương trường ngày càng khốc liệt. Mỗi thành viên trong doanh nghiệp chính là một người phát ngôn và đại sứ của doanh nghiệp đó. Bởi vậy, các thành viên trong doanh nghiệp phải cùng chung tay và ý thức được tầm quan trọng của mình trong việc xây dựng và phát triển hình ảnh của doanh nghiệp. Việc lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ những hoài bão, ước mơ của mình và kế hoạch thực hiện những hoài bão đó với các thành viên trong công ty, để mọi người cùng chung sức cố gắng là việc làm thiết thực mà ít tốn kém đến ngân sách hạn hẹp của doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Hội thảo “Quản trị truyền thông thời kỳ khủng hoảng” do Viện QTKD (FSB) – ĐH FPT và Khoa QTKD (HSB) - ĐHQGHN tổ chức sẽ cung cấp cho các nhà quản trị về một góc nhìn mới và đầy bổ ích về vấn đề quản trị thương hiệu trong thời kỳ khó khăn hiện nay.
Thời gian: 8:30-11:30 ngày 11 tháng 8 năm 2012
Địa điểm: Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) – Đại học quốc gia Hà Nội
144 Xuân Thủy – Cầu Giấy – Hà Nội
Diễn giả: Ông Phạm Quang Vinh - giám đốc điều hành của công ty Pham & Partners- một tổ chức hàng đầu Việt Nam về tư vấn thương hiệu và chiến lược truyền thông và là đơn vị duy nhất cung cấp Dịch vụ marketing cho Chính phủ Việt Nam (Government Marketing Services) và Dịch vụ tư vấn quan hệ với Chính phủ (Government Relations Consultant) cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.