(HNM) - Đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thời gian qua việc vay vốn còn nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng.
Việc giải ngân gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp, cơ chế thông thoáng sẽ giải “cơn khát” vốn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Viết Thành |
Chưa đáp ứng yêu cầu
Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp. Từ đầu năm 2014, trong Nghị quyết số 14/NQ-CP (ngày 5-3-2014), Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp cho các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp, sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao (CNC) và liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Theo Ngân hàng Nhà nước, thực hiện chỉ đạo này đã có 28 DN tại 22 tỉnh, thành phố được lựa chọn để triển khai 31 dự án. Kết quả tính đến cuối năm 2016, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho 22/28 DN vay vốn thực hiện 22/31 dự án với số tiền hơn 7.333 tỷ đồng.
Trong khi đó, cũng theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong toàn quốc (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) tính đến cuối năm 2016 ước đạt 925 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 18% dư nợ cho vay của nền kinh tế với hàng triệu hộ nông dân và DN được tiếp cận. Nhờ vậy, cả nước đã hoàn thiện một số mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng CNC. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, các nguồn vốn cho vay trên, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; việc tiếp cận với các nguồn vốn này còn nhiều khó khăn...
Thực tế cho thấy, thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; dự báo thị trường nông sản chưa sát; sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro; bảo hiểm nông nghiệp chưa được nhân rộng... là những hố ngăn cách “dòng chảy” vốn đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng CNC. Điển hình tại TP Hà Nội, dù có nhiều lợi thế nhưng đến nay chỉ có một số rất nhỏ dự án nông nghiệp CNC ứng dụng từng phần, chưa có vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC quy mô.
Anh Bùi Văn Hưng, chủ trang trại chăn nuôi lợn sạch ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng cho biết: “Trang trại của gia đình tôi có quy mô hàng trăm con lợn và diện tích đất đai rộng lớn nhưng khi định giá tài sản để vay vốn lại không nhiều... Trong khi đó giấy tờ, thủ tục vay vốn cũng phức tạp nên ngân hàng cần có cơ chế cho vay thông thoáng hơn”.
“Khơi thông” kênh dẫn vốn
Mới đây nhất, tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường).
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương triển khai tới các ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn, và hiện số vốn đăng ký đã đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng để cho vay các dự án có hiệu quả với lãi suất thấp hơn từ 0,5 đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) Nguyễn Thị Phượng: So với các gói tín dụng khác, triển khai gói 100 nghìn tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho vay với thủ tục thông thoáng hơn.
Theo đó, tập thể, cá nhân chỉ cần có dự án hoạt động hiệu quả; có dự án/phương án sản xuất kinh doanh thuộc tiêu chí chương trình; dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, danh mục CNC ứng dụng trong nông nghiệp sẽ được giải quyết vay vốn ưu đãi. Hiện Agribank là một trong những đơn vị đặc thù cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có vai trò chủ lực trong gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng.
Nhằm tạo thuận lợi cho các DN và ngân hàng thương mại, ngày 24-4-2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch. Quyết định quy định về tài sản bảo đảm cho khoản vay, ngân hàng thương mại và khách hàng sẽ thỏa thuận áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay phù hợp với quy định của pháp luật. Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định của pháp luật.
Như vậy, chủ trương và nguồn vốn đã có, thủ tục cho vay thông thoáng hơn đang hứa hẹn “kênh” dẫn vốn này sẽ tạo cú huých phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng CNC. Tuy vậy, do sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro nên vẫn cần mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp để cả DN, hộ gia đình và các ngân hàng yên tâm hơn khi bỏ vốn đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.