Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải bài toán xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm

Hà Phong| 04/08/2022 18:18

(HNMO) - Thời gian qua, giá xăng, dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần trong sự mong ngóng, chờ đợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá của nhiều hàng hóa thiết yếu trong nước vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân. Nguyên nhân vì sao có tình trạng giá "tăng nhanh, giảm chậm" đã được các chuyên gia lý giải tại tọa đàm: "Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm - Thực trạng và giải pháp” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức diễn ra chiều 4-8.

Khách mời tham dự tọa đàm.

Giá cả tăng nhanh, giảm chậm

Việt Nam có 5 phương thức vận tải là: Đường bộ, đường thủy, hàng hải, đường sắt và hàng không. Nếu nói một con số ở mức trung bình thì chi phí vận tải sẽ chiếm 30-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ vận tải. Vậy vì sao khi xăng dầu giảm liên tiếp như hiện nay, giá dịch vụ vận tải không hề giảm, thậm chí còn đang có dấu hiệu leo thang hơn?

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Trần Bảo Ngọc cho biết, khi giá tăng, có nhiều yếu tố để hình thành nên giá thành vận tải hay giá thành dịch vụ nói chung. Cho nên khi có một yếu tố biến động thì những đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại. Yếu tố thứ hai cũng cần phải xem xét tâm lý khách hàng rồi cả các đối thủ cạnh tranh. Thứ ba, đối với vận tải, ví dụ như vận tải đường bộ, taxi, còn phải thực hiện kê khai giá với Sở Giao thông Vận tải. Rồi các đơn vị phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại tờ niêm yết giá... nên việc giảm giá có độ trễ.

Tính đến thời điểm hiện tại, khi giá xăng, dầu đã giảm lần thứ tư liên tiếp thì nhiều hàng hóa vẫn "điềm nhiên" giữ giá. Tình trạng này đã xảy ra nhiều lần và lần này cũng không ngoại lệ. Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương lý giải, do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có thời gian, cũng có độ trễ để các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua.

Sẽ tích cực rà soát giá

Nhận định, khi giá xăng dầu tăng thì giá cước tăng nhưng khi giá xăng dầu giảm thì sẽ có độ trễ nhất định để giảm, nhưng độ trễ đã lâu nên theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Trần Bảo Ngọc, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có chỉ đạo để rà soát giá. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg, ngày 31-7-2022, về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Về phía Bộ Tài chính, bà Đinh Thị Nương cho hay, bám sát văn bản của Chính phủ, trước hết, Bộ Tài chính, các bộ quản lý ngành tập trung đôn đốc, tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình giá cả thị trường và chuẩn bị các phương án, các kịch bản dự báo để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Trường hợp có mặt hàng biến động giá lớn thì căn cứ các pháp luật về giá, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành tham mưu Chính phủ, báo cáo Quốc hội đưa những mặt hàng đó vào danh mục bình ổn giá.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, vấn đề giá có phạm vi rộng, ngoài kinh tế và kỹ thuật, nên có thêm các giải pháp khác. Trước tiên là vấn đề cung - cầu hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm các khâu trung gian. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, thì các chỉ đạo của Chính phủ sẽ được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4%.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, với các chỉ đạo của Chính phủ, giải pháp của các bộ, ngành hiện nay, có đủ cơ sở cho kịch bản kiểm soát lạm phát năm nay là 4%, kịch bản xấu nhất vượt 4% một chút cũng chấp nhận được, để chúng ta một mặt kiểm soát lạm phát tốt, đồng thời, vẫn phải phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

“Vì Quốc hội và Chính phủ đã ban hành chương trình phục hồi 2 năm, nên năm nay, điều hành của Chính phủ gặp không ít thách thức, phải hài hòa, cân bằng, phân tích, dự báo kịp thời, thành công bước đầu nhưng không chủ quan. Chúng tôi kỳ vọng, Chính phủ tiếp tục thành công ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế, đạt được kế hoạch 5 năm tăng 5-7%”, ông Cấn Văn Lực nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.