Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải bài toán về vốn cho việc thoát nước

Vũ Duy Thông| 31/07/2012 06:43

(HNM) - Hà Nội thuộc vùng đất thấp, ba bề có đê bao bọc. Không được phù sa bồi đắp, Hà Nội trở thành một ô trũng, có chỗ nền thấp hơn cả đáy sông Hồng nên nếu có úng ngập nước không thoát được nhanh. Mưa xuống, nước phải ngấm xuống đất hoặc dồn vào các hồ ao một cách chậm chạp.

Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, hồ ao bị lấp dần, các lối thoát nước bị thu hẹp, chưa kể cầu cống ngăn cách, dòng chảy ngày càng nhiều vật cản. Việc thoát nước, nhất là thoát nước mưa trở thành vấn đề nan giải của thành phố. Hễ có mưa lớn là nhiều đường phố thành sông. Xưa có các đường: Nguyễn Khuyến, Tôn Đức Thắng, Quốc Tử Giám, Khâm Thiên… nay lại xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới: Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Văn Thái…

Dự án thoát nước giai đoạn 1 đã kết thúc và giai đoạn 2 đang triển khai. Tuy được thành phố đánh giá là có hiệu quả nhưng theo Ban quản lý dự án, ngay cả khi đến hết năm 2013 dự án kết thúc, tức là sau khi tiêu hết 550 triệu USD, thành phố vẫn còn những điểm "đen" ngập nước, khả năng của các sông thoát như Tô Lịch, Kim Ngưu và các trạm bơm cũng chỉ chống chịu được những cơn mưa 310mm trong hai ngày, tức là những cơn mưa vừa, kéo dài, tần suất 10 năm/lần. Còn để có hiệu quả thoát nước cao hơn, với những cơn mưa tần suất 30 năm hoặc 50 năm/lần, mở rộng ra không chỉ 4 quận nội thành cũ thì còn cần đến 116.000 tỷ đồng trong một dự án khác lớn hơn. Với tiềm năng về vốn, con người, đất đai hiện nay và cả với tình hình biến đổi khí hậu đang có nhiều diễn biến bất thường, khả năng dự án đó thành công là điều khó bảo đảm.

Vậy, một trong những lời giải cho bài toán về vốn là hãy trở về với một khẩu hiệu từng quen thuộc: "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu", nghĩa là cùng với các dự án của Nhà nước, hãy nghĩ đến những giải pháp xã hội hóa, huy động được sức người, sức nghĩ của toàn dân trong việc thoát nước của Thủ đô.

Trong quy hoạch phát triển thành phố, một trong những khâu ít được chú ý nhất là thoát nước mặc dù đây là một trong những điều kiện tiên quyết khi quy hoạch, xây dựng các khu đô thị, đường phố mới. Các dự án khu chung cư, khu đô thị… cũng chỉ dừng ở các phương án thoát nước trong nội bộ tới điểm thoát nước của thành phố mà không buộc chủ đầu tư phải đóng góp vào đường thoát nước chung, ngoài hàng rào như một nghĩa vụ bắt buộc. Chính điều đó nảy sinh tình trạng đường thoát nước mưa nội bộ từng khu đô thị, quận, huyện thì tương đối tốt nhưng hệ thống thoát nước chung của thành phố lại bị chia cắt, lạc hậu vì thiếu vốn xây lắp. Khi mưa xuống, nơi thoát, nơi ngập úng.

Cũng có thể thấy ngay, trong các giải pháp thoát nước của Thủ đô không có một giải pháp nào huy động người dân tham gia vào việc thoát nước trước hết cho nhà mình, sau đó là đến cả thành phố. Dĩ nhiên, việc thoát nước chủ yếu là trách nhiệm của chính quyền thành phố và chỉ thành phố mới làm được, nhưng người dân có thể tham gia từ việc giải phóng mặt bằng làm các công trình thoát nước, không lấn chiếm hồ ao tràn lan như hiện nay, dành thêm chỗ thấm nước mặt ở sân nhà, vỉa hè, khu đất trống bằng cách xây thêm vườn hoa, sân chơi, tiểu cảnh... Nếu những việc trên trở thành phong trào, với đa dạng các biện pháp tiêu thoát nước, chắc chắn sẽ chứa trữ được rất nhiều nước mưa, đường phố đỡ ngập, giảm được chi tiêu ngân sách về việc này. Hà Nội rất ít đất trống, đâu cũng bịt bùng gạch, xi măng và nhựa đường nên dù mưa rất to, đường úng ngập mà cây cối vẫn thiếu nước. Liệu thay đổi được chăng?

Cuối cùng, xin gợi ý không nên đầu tư quá lớn vào các trạm bơm để coi đó là biện pháp chủ yếu tiêu thoát nước, vì rất lãng phí mà hiệu quả thấp. Xây trạm bơm không khó nhưng duy trì hoạt động của trạm bơm rất tốn kém. Cần nghĩ đến giải pháp làm sạch sông ngòi và thoát nước từ nước mặt.  Phương hướng là thế, giải pháp cụ thể dành để các nhà chuyên môn khảo sát, nghiên cứu và chọn lựa phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán về vốn cho việc thoát nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.