Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải ''bài toán'' thu hồi tài sản tham nhũng

Hà Phong| 31/07/2022 06:29

(HNM) - Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012-2022), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị nghiên cứu tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả. Đón nhận thông tin này, không ít ý kiến cho rằng đây là cách làm vừa hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vừa nhân văn và thuyết phục. Song, phải quy định chặt chẽ, tránh “hy sinh đời bố củng cố đời con”.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty Nghe nhìn toàn cầu AVG, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã nộp 66 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ số tiền 3 triệu USD mà ông bị truy tố tội nhận hối lộ, nhờ đó được giảm án từ tử hình xuống chung thân. Ảnh: TTXVN

Dám thay đổi, bổ sung cách làm mới…

Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá: Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở cũng được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hằng năm có xu hướng giảm dần; riêng năm 2021, 100% các tỉnh, thành phố đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng.

Còn theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, cùng với việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì đến nay bình quân đạt 34,7%. Cũng theo đồng chí Lê Minh Trí cũng nêu quan điểm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là phức tạp nên cần đồng bộ trong chủ trương, nhận thức, cách làm, thậm chí dám thay đổi, bổ sung quan điểm, cách làm mới để đạt hiệu quả tốt hơn.

Dẫn kinh nghiệm từ Trung Quốc (trường hợp phát hiện vi phạm của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, Viện Kiểm sát có quyền kiến nghị khắc phục vi phạm và hậu quả gây ra; nếu cơ quan không khắc phục thì Viện Kiểm sát có quyền khởi kiện ra tòa; trường hợp khắc phục không tốt thì mới khởi tố điều tra, xét xử hình sự), đồng chí Lê Minh Trí cho rằng, cần nghiên cứu tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả. Khi đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thành công hơn nữa.

… nhưng phải chặt chẽ

Từ thực tiễn giám sát, thi hành án dân sự trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thắng Lợi thừa nhận, cơ quan thi hành án gặp rất nhiều khó khăn trong công tác. Trong 9 tháng gần đây, tổng số tiền phải thi hành là hơn 129.619 tỷ đồng, số đã thi hành xong chỉ là gần 50.000 tỷ đồng. Có những vụ án có tài sản bảo đảm thi hành án nhưng tính chất pháp lý của tài sản lại chưa sáng tỏ nên phải đợi làm rõ mới có thể kê biên, xử lý tài sản. Ngoài ra, có bản án tuyên số tiền phải thu hồi, thi hành rất lớn nhưng tài sản thực tế để thu hồi rất ít.

Ông Nguyễn Thắng Lợi cho hay, giải pháp tội phạm tham nhũng nộp tiền khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự là quan điểm không mới. Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) đã nêu rõ chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng với những người có thái độ thành khẩn, thu hồi tài sản là trọng tâm, cốt lõi. Vì vậy, việc tội phạm tự nguyện giao nộp lại tài sản để khi xét xử được giảm án là cần thiết. Hiện, Tổng cục Thi hành án dân sự đã giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam để đưa ra những luận cứ khoa học nhất, từ đó có cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Đinh Văn Minh cũng cho rằng, với các tội phạm về tham nhũng, kinh tế thì hình phạt hướng đến trừng phạt mạnh về kinh tế là phù hợp. Tuy nhiên, phải xác định rõ hai việc: Một là “tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện”, hai là “được xem xét giảm hình phạt khi xét xử”. Có nghĩa là, nếu ai chấp hành nghiêm, tự giác khai báo, nộp lại đầy đủ tài sản mình đã ăn cắp hay nhận hối lộ, thì sẽ được xem xét khi lượng hình… Luật Phòng, chống tham nhũng của Singapore cũng đánh mạnh vào lợi ích kinh tế của người tham nhũng và đã cho kết quả rất tốt. Nếu thực hiện được đề xuất trên, chúng ta có thể thu hồi được tài sản thất thoát của Nhà nước một cách nhanh nhất, không gây lãng phí thời gian và tiền bạc của các cơ quan tiến hành tố tụng, hơn hết còn thể hiện được sự nhân văn rất cao. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, hệ thống pháp luật cần chặt chẽ, hoàn thiện hơn để tránh lợi dụng việc “khắc phục hậu quả, hy sinh đời bố củng cố đời con” để trốn tránh trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ''bài toán'' thu hồi tài sản tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.