(HNM) - Chỉ chưa đầy 3 tháng kể từ khi nhậm chức, chính quyền tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ráo riết triển khai nhiều kế hoạch nhằm khôi phục vị trí ảnh hưởng tại Châu Phi vốn đã bị Paris bỏ quên khá lâu.
Sau 3 chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron tới Lục địa đen vào tháng 5, tháng 6 và đầu tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly lại vừa hoàn tất chuyến công du 3 nước Chad, Niger và Mali. Đây là các thành viên thuộc 5 nước Sahel (còn gọi là G5 Sahel, gồm: Mali, Niger, Chad, Mauritania và Burkina Faso) đang được Pháp tích cực hỗ trợ trong cuộc chiến chống khủng bố. Điều này cho thấy sự điều chỉnh chính sách đối với Châu Phi đang được coi là một phần quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Pháp.
Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly trong chuyến thăm Niger. |
Trong lịch sử, Pháp và Châu Phi vốn có nhiều ràng buộc với nhau bởi rất nhiều nước trong khu vực này đã từng là thuộc địa của Pháp. Hơn nữa, Lục địa đen có vị trí địa lý gần gũi, chỉ ngăn cách với Pháp bởi Địa Trung Hải, nên thuận lợi trong tiếp cận công nghệ và sản phẩm của đất nước hình lục lăng. Hiện nay, Châu Phi cũng cần Pháp hậu thuẫn chính trị cho các lợi ích chung trên các diễn đàn thế giới và làm cửa ngõ để tiếp cận thị trường Liên minh Châu Âu (EU) rộng lớn. Ở chiều ngược lại, Pháp có thể khai thác nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên và vật liệu chiến lược cần thiết từ khu vực này. Với số dân hơn 1,1 tỷ người, Châu Phi hiện chiếm 40% nguồn tài nguyên khoáng sản của thế giới và là nơi có tiềm năng nông nghiệp vô cùng phong phú. Những năm gần đây, cùng những mỏ dầu mới được phát hiện, Châu Phi nhanh chóng chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ phân phối năng lượng toàn cầu. Chính vì vậy, không chỉ có Pháp mà nhiều cường quốc khác cũng đang rất quan tâm đến khu vực đầy tiềm năng này.
Một thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự “đổ bộ” ồ ạt của Trung Quốc, Mỹ, Nga và nhiều nước phương Tây tới Lục địa đen. Với nước Mỹ, Châu Phi là "châu lục tương lai của thế kỷ XXI". Số liệu kinh tế gần đây cho thấy, châu lục hiện cung cấp hơn 15% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Mỹ. Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Châu Phi cũng không ngừng được củng cố. Các khoản đầu tư của Bắc Kinh liên tục gia tăng và hiện có khoảng 1.600 doanh nghiệp Trung Quốc đang hiện diện tại đây. Một cường quốc đáng gờm khác trong cuộc đua tới Lục địa đen là Ấn Độ - đối tác thương mại lớn thứ 4 của Châu Phi.
Trong khi đó, dù gắn bó với Châu Phi về mặt lịch sử, nhưng những năm gần đây, Pháp lại tỏ ra chậm hơn các đối thủ. Nếu như 50 năm trước, thương mại của Pháp với Châu Phi chiếm 40%, thì hiện nay con số này chỉ còn gần 2%. Ngoài lý do về mặt kinh tế, sự tăng cường hiện diện tại Châu Phi còn giúp bảo đảm về mặt an ninh đối với Pháp, nhất là trong bối cảnh thủ phạm các vụ tấn công khủng bố tại đất nước hình lục lăng thời gian qua đều có nguồn gốc từ Bắc Phi và Trung Đông. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, các tay súng thánh chiến ở khu vực được cho là vùng đệm với Châu Âu sẽ mở rộng địa bàn hoạt động, đe dọa lợi ích của các nước phương Tây. Đây cũng là lý do Tổng thống Pháp E.Macron chọn Mali là quốc gia đầu tiên ngoài biên giới Châu Âu để công du sau khi ông nhậm chức.
Ngoài ra, việc củng cố ảnh hưởng tại Châu Phi còn là duy trì sự hiện diện về văn hóa, ngôn ngữ Pháp ở khu vực chiến lược này. Hơn một nửa trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Phi nói tiếng Pháp. Vì thế, sự ủng hộ của khối Pháp ngữ, trong đó có rất nhiều thành viên ở Lục địa đen, đối với nước Pháp được ví như một sức mạnh tinh thần to lớn, bảo đảm cho nước này gây dựng ảnh hưởng địa lý - chính trị - văn hóa trải dài ở nhiều châu lục. Do đó, Paris không thể bình chân khi tốc độ đầu tư của các nước lớn vào Châu Phi liên tục gia tăng. Người Pháp đang kỳ vọng những chính sách của Tổng thống E.Macron sẽ tạo nên sự bứt phá để Paris sớm hiện thực hóa giấc mơ giành lại vị trí ảnh hưởng tại châu lục này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.