(HNM) - Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 5-9 được điều chỉnh tăng mạnh. Trước đó, với cách tính mới có hiệu lực từ ngày 1-7, giá xăng
Xăng dầu tăng giá, Ngành Vận tải có thể sẽ phải điều chỉnh tăng giá cước. Ảnh: Anh Tuấn |
Đối phó việc xăng tăng giá sẽ tạo ra tác động dây chuyền - đẩy giá nhiều hàng hóa, dịch vụ tăng theo - một số doanh nghiệp (DN) chọn phương án giảm lãi, giữ nguyên giá bán sản phẩm, dịch vụ để giữ chân khách hàng.
Doanh nghiệp tính phương án đối phó
Tính đến ngày 5-9, bình quân giá xăng dầu (tính theo xăng RON 92) trên thị trường thế giới 15 ngày qua là 54,749 USD/thùng, tăng 4,655 USD/thùng. Để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối các chi phí đầu vào đối với sản xuất, lưu thông cũng như hỗ trợ đời sống dân sinh, ngày 5-9, liên bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các loại xăng dầu như hiện hành, chi sử dụng Quỹ 300 đồng/lít đối với xăng RON 92 và xăng E5. Liên bộ cũng cho phép điều chỉnh giá xăng RON 92 tăng 702 đồng/lít, xăng E5 tăng 611 đồng/lít, dầu diesel tăng 474 đồng/lít, dầu hỏa tăng 489 đồng/lít và dầu mazut tăng 502 đồng/kg. Ngay sau khi có quyết định của liên bộ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã điều chỉnh tăng 700 đồng/lít xăng RON 92.
Chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu sau 15 ngày đã được xem là bình thường và đương nhiên sẽ có những tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo Tổng cục Thống kê, giao thông luôn là nhóm hàng có ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp tới mức tăng (hoặc giảm) của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Bởi ngoài tác động tới giá hàng hóa, giá xăng tăng mạnh sẽ kéo theo sự điều chỉnh tăng giá cước chở hàng, chở khách.
Ông Sỹ Danh Phúc, Giám đốc siêu thị Fivimart Trúc Khê cho biết, chi phí xăng dầu là một trong những yếu tố cấu thành giá hàng hóa. Với việc giá xăng tăng 700 đồng/lít, nếu tính đúng, tính đủ thì DN phải tăng giá sản phẩm bán ra. Tuy nhiên, để giữ chân khách hàng, DN sẽ chọn giải pháp cố gắng giữ nguyên giá, chấp nhận giảm lãi. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng cho biết, sẽ chủ động đàm phán với các nhà cung cấp để chia sẻ khó khăn do chi phí xăng dầu tăng.
Thuế, phí chiếm 50% cơ cấu giá xăng
Ngoài biến động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, xăng dầu bán lẻ trong nước tăng giá mạnh còn do áp dụng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới. Nếu trước đây, theo cách tính tại Nghị định 195/NĐ-CP, thuế TTĐB với mặt hàng xăng dựa trên giá nhập khẩu và các khoản chi phí để đưa hàng về Việt Nam (tức giá nhập khẩu đầu vào) thì theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế TTĐB, Luật Quản lý thuế và Nghị định 100/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trên, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, mặt hàng xăng sẽ phải kê khai nộp thuế TTĐB dựa trên giá đầu ra.
Điều đó có nghĩa, giá tính thuế TTĐB trên một lít xăng dầu phải “cõng” thêm 3 loại chi phí, bao gồm: Chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và Quỹ Bình ổn giá. Như vậy, từ ngày 1-7, giá tính thuế TTĐB mỗi lít xăng đã cộng thêm 1.650 đồng (gồm lợi nhuận định mức 300 đồng, chi phí kinh doanh định mức 1.050 đồng, Quỹ Bình ổn giá 300 đồng). Với mức thuế TTĐB 10%, mỗi lít xăng bán ra phải gánh thêm khoảng 165 đồng.
Nhận xét về cách tính thuế mới với xăng dầu, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, cơ cấu thuế - phí hiện chiếm 49-51% trong một lít xăng, làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng. Năm 2015, tiêu thụ nội địa khoảng 16,4 triệu tấn xăng dầu. Mỗi tấn xăng dầu quy đổi ra khoảng 1.333 lít, thì với chênh lệch gần 200 đồng/lít, người tiêu dùng phải chi thêm hơn 4.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo do Tổng cục Thuế vừa tổ chức, trả lời câu hỏi liệu cách tính thuế TTĐB mới với mặt hàng xăng có phải là biện pháp kỹ thuật để tăng thu ngân sách, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Nguyễn Quý Trung (Tổng cục Thuế) cho biết, sự thay đổi cách tính thuế TTĐB với xăng nói riêng và với các hàng hóa trong Nghị định 100 nói chung là nhằm “tạo công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước. Mức tăng giá này không đáng kể và số tăng thu ngân sách cũng không nhiều".
Mặc dù cách tính thuế TTĐB mới là nhằm tạo sự công bằng cho hàng hóa trong nước, song trên thực tế, giá mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng hiện nay có 50% là tiền thuế, phí các loại. Vì vậy, DN và người tiêu dùng mong muốn giá mặt hàng thiết yếu này được tính toán và cơ cấu hợp lý, tránh gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.