(HNM) - Hơn một tuần trở lại đây, thị trường vàng trong nước giao dịch sôi động hơn. Ngay cả trong những ngày giá vượt trên ngưỡng 38 triệu đồng/lượng, người đến mua - bán vẫn khá đông.
Đại diện một số DN kinh doanh vàng ở Hà Nội đều nhận định, những điểm mới trong Dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) soạn thảo đã giúp người dân yên tâm hơn...
Vàng miếng sẽ được mua, bán tại ngân hàng và doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh. Ảnh: Phương An
Người dân sẽ được mua, bán vàng miếng?
Mặc dù Nghị định quản lý kinh doanh vàng miếng của NHNN mới dừng ở dự thảo, song những quy định tích cực trong đó đã mang lại sự lạc quan cho giới kinh doanh và cả những người quen tích trữ. Theo đó, quyền mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân được thừa nhận, song giao dịch phải thực hiện tại ngân hàng và DN được cấp phép kinh doanh. Mua, bán vàng miếng với những đối tượng không có giấy phép, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán sẽ được coi là những hành vi vi phạm. Các chuyên gia đều cho rằng, quy định này là cần thiết nhằm hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.
Việc mua, bán vàng miếng vẫn được coi là hoạt động hạn chế kinh doanh. DN, tổ chức hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng phải được NHNN cấp giấy phép. Sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện; tổ chức, cá nhân phải thành lập DN và được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Về sản xuất vàng miếng, dự thảo mới có hai phương án, NHNN tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho DN. Trong dự thảo cũ, sản xuất vàng miếng do NHNN thực hiện. Nếu cấp phép cho DN sản xuất, NHNN sẽ quy định trình tự, thủ tục, số lượng DN được sản xuất gia công vàng miếng trong từng thời kỳ. Các hoạt động kinh doanh khác ngoài vàng miếng và trang sức mỹ nghệ bị hạn chế, chỉ được triển khai khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp phép. NHNN hạn chế xuất khẩu, ngoài NHNN, chỉ có DN có giấy phép khai thác vàng mới được cấp phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do DN khai thác. Với hoạt động nhập khẩu, chỉ có DN sản xuất trang sức, mỹ nghệ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, DN đầu tư khai thác ở nước ngoài có nhu cầu nhập số vàng đã khai thác về nước... mới được thực hiện.
Vàng sẽ lại hấp dẫn?
Sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, trong đó có nêu việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới, thị trường rơi vào cảnh trầm lắng. Sự ảm đạm của thị trường khiến giá trong nước thường thấp hơn giá thế giới, điều khó có thể thấy trước đó vì giá trong nước luôn đắt hơn thế giới vài trăm nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng/lượng.
Vàng từng được coi là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn do biên độ dao động của giá lớn, nếu mua đúng thời điểm, cộng với một chút may mắn, nhà đầu tư có thể lãi lớn. Hơn nữa, vàng luôn được coi là "hầm" trú ẩn an toàn cho dòng vốn trong mắt giới đầu tư nước ngoài ngay cả khi nền kinh tế có nhiều bất ổn, nên chẳng có lý do gì nhà đầu tư trong nước lại không chọn kênh này. Tuy nhiên, sự không đầy đủ thông tin hoặc có phần thiếu hiểu biết, tâm lý đám đông của giới đầu tư, cộng với những chiêu "làm giá" của những kẻ đầu cơ đã làm thị trường này có thời điểm bị bóp méo. Tình trạng người dân chỉ thích tích trữ vàng, USD, gây ra tình trạng vàng hóa, đô la hóa. Việc quản lý chặt chẽ thị trường này với những quy định hợp lý, không quá cứng nhắc được nhiều người mong đợi.
Dự thảo mới tác động mạnh đến thị trường. Hơn một tuần qua, tình hình giao dịch đã được cải thiện. Các cửa hàng kinh doanh có nhiều người mua-bán. Tại một số DN lớn, lượng giao dịch đã đạt hơn 1.000 lượng/ngày thay vì vài trăm lượng như trước. Nhiều người cho rằng, thông tin người dân được mua, bán vàng miếng là tích cực. Trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào tình trạng "đóng băng", thị trường chứng khoán khó khăn thì vàng sẽ được nhiều nhà đầu tư nhắm đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.