Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá vàng - một năm “nhảy múa”

Đức Anh| 08/02/2013 07:06

(HNM) - Nói đến vàng trước đây, người ta thường khoe nhau trong năm

Giá vàng biến động liên tục trong năm 2012 khiến nhiều nhà đầu tư và người dân lao đao. Ảnh: Trọng Hải


Thói quen tích trữ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, phải có ít vàng "dắt lưng", một phần để đề phòng khi có việc, phần để dành cho con cháu. Cứ có tiền người ta lại mua vàng. Mấy năm gần đây, nhiều người chuyển sang tích USD, vì đó được coi là "vua" trong các loại tiền, nhưng đa số vẫn lựa chọn vàng là kênh trú ẩn an toàn, bất chấp sức khỏe của nền kinh tế tốt hay xấu.

Nhà đầu tư đổ vào vàng, đẩy giá tăng "vèo vèo". Chỉ tính trong vòng 10 năm qua, giá vàng đã tăng gấp gần 6 lần, từ ngưỡng khoảng gần 800 nghìn đồng/chỉ lên 4,7 triệu đồng/chỉ, có thời điểm vượt ngưỡng 4,8 triệu đồng/chỉ. Nếu như trước đây, khi bán nhà, đơn vị tính được quy ra vàng, chẳng hạn 30 cây (30 lượng vàng) hay hàng trăm cây, thì với tốc độ tăng phi mã của giá vàng, người ta đã quy tất cả ra tiền Việt. Thế nhưng, tiềm thức tích trữ vàng chưa thể xóa khi người người chuyển tiền VND sang vàng, nhà nhà đổ đến các cửa hàng mua vàng. Nghĩ đi, nghĩ lại cũng chẳng phải vô lý nếu người dân chỉ muốn tích trữ vàng, vì sức khỏe nền kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu hồi phục, nền kinh tế trong nước gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, nếu giá vàng trong nước tăng cùng chiều với giá thế giới thì có lẽ không phải bàn nhiều, vì nước ta vẫn chủ yếu phải nhập vàng, nhưng nhiều thời điểm trong năm giá trong nước một mình một hướng. Bất chấp giá thế giới giảm hay đi ngang, giá trong nước vẫn thẳng tiến, leo dốc không mỏi. Điều đáng nói hơn là không phải tất cả các thương hiệu vàng miếng trong nước đều tăng, mà chỉ có vàng "SJC", là cái tên được nói đến nhiều nhất trong năm nếu nhắc đến vàng. Chuyện Ngân hàng Nhà nước trao đặc quyền "thương hiệu vàng miếng quốc gia" đã khiến vàng SJC bỗng thành thứ "hàng hiệu" vì bất cứ ai bỏ tiền mua vàng đều có tâm lý "ăn chắc". Từ một thương hiệu có giá ngang bằng những thương hiệu khác, giá vàng SJC một mình "nhảy múa". Từ khoảng cách 1 triệu đồng/lượng, dần bước lên "đỉnh", cao hơn các loại vàng khác 2 triệu đồng/lượng, 3 triệu đồng/lượng… ngay cả khi tất cả đều là vàng 4 số 9 (99.99). Người dân càng nháo nhác, giá vàng càng tăng bất chấp quy luật "bình thông" với giá thế giới. Tâm lý đám đông lại một lần nữa nổi lên, cảnh người xếp hàng để chuyển đổi vàng miếng khác sang SJC diễn ra, bất chấp việc phải chi một khoản phí không nhỏ. Ngành chức năng đã lên tiếng tất cả các loại vàng đều được chấp thuận, có giá trị như nhau trên thị trường, nhưng không đủ "mạnh" để ngăn người dân đổ vào vàng SJC, vì cái mũ nêu trên. "Cầu" vượt "cung" đẩy vàng SJC xa dần với giá thế giới, có thời điểm chênh gần 4 triệu đồng/lượng, khoảng cách chưa từng có của giá vàng hai thị trường. Cũng bởi vậy, vàng trở thành một đề tài "hot" trên các diễn đàn hay tại bất cứ chỗ đông người nào. Người bàn tán về chính sách, người lại tiếc vì trót bán khi giá thấp, người lo lắng đang giữ vàng không phải SJC…

Được coi là thứ tài sản bảo toàn vốn, nhưng vàng cũng chỉ là một loại hàng hóa nên không nhất thiết phải đổ xô vào. Đã qua cái thời người ta có thể "lướt sóng" để thu lợi nhuận cao nhờ vào sự tăng, giảm thất thường với biên độ lớn của giá vàng. Thời gian qua, giá vàng trong nước quá cao so với thế giới nên mua dễ gặp nhiều rủi ro. Thêm vào đó, việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt hoạt động huy động vàng cũng sẽ khiến kênh đầu tư này không còn đủ sức hấp dẫn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá vàng - một năm “nhảy múa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.