(HNM) - Ngoại trừ một vài thời điểm biến động bất thường, từ đầu năm 2019 đến nay, giá vàng trong nước chỉ tăng, giảm với biên độ nhỏ.
Quanh ngưỡng 36 triệu đồng/lượng
Trong những tháng đầu năm 2019, giá vàng chỉ biến động trong biên độ rất nhỏ, nên những nhà đầu tư kỳ vọng ở sự tăng, giảm thất thường của giá vàng để thu lời không còn. Đã lâu rồi thị trường không còn dùng đến cụm từ “lướt sóng” đối với vàng và những người đầu cơ cũng không còn cơ hội. Cơ quan chức năng cũng không còn phải đưa ra những cảnh báo kiếm lời bằng việc “lướt sóng” hay cảnh giác những kẻ đầu cơ đang làm náo loạn thị trường vàng...
Giá vàng trong nước thời gian qua không có nhiều biến động. Ảnh: Phú Quý |
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, những “cơn sốt” vàng trên thị trường đã giảm mạnh.
Thay vì mở như trước, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng những biện pháp quản lý mạnh tay với thị trường này bằng việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng; tổ chức xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước.
Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là hoạt động có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhằm mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng trong nước.
Nếu như trước đây, trên thị trường có những ngày giá vàng tăng hay giảm với biên độ tới cả triệu đồng/lượng, thì kể từ khi Ngân hàng Nhà nước “siết” chặt, đến nay giá vàng không còn thay đổi do những trò “thổi giá” của giới đầu cơ.
Đối với thị trường vàng trong nước kể từ đầu năm 2019 đến nay, giá vàng chỉ ở ngưỡng 36 triệu đồng/lượng. Riêng trong những ngày đầu tháng 4, giá vàng giao dịch phổ biến ở mức 36,3-36,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng ở quanh mốc 1.300 USD/ounce.
Vốn là bình thông với thị trường thế giới, giá vàng trong nước chịu tác động chủ yếu từ giá thế giới. Với mức giá này, quy đổi ra VND theo tỷ giá của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá vàng trong nước chỉ cao hơn giá thế giới khoảng 400 nghìn đồng/lượng chưa tính các loại thuế, phí... Như vậy, giá vàng trong nước tiệm cận gần với giá thế giới, cho thấy thị trường vàng khá bình lặng.
Chuyển hóa vàng vào sản xuất - kinh doanh
Sự bình lặng của giá vàng khiến kênh này không còn là sự lựa chọn đầu tiên của giới đầu tư trong nước như nhiều thời điểm trước. Chị Phạm Ánh Tuyết (39 Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Trong khoảng 2 năm trở lại đây, trừ việc mua vàng để tặng người thân, tôi hầu như không mua vàng. Trước đây, tôi vẫn mua vàng để tích trữ vì lo ngại tiền bị mất giá, nhưng mấy năm gần đây, giá vàng khá ổn định nên hầu như không thu được lợi nhuận từ chênh lệch giá. Bởi vậy, thay vì mua vàng để cất đi, tôi đổi sang VND gửi tiết kiệm tại ngân hàng để hưởng lãi suất".
Cùng quan điểm trên, anh Ngô Hồng Sơn (32/18 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội) đã chuyển từ kênh đầu tư vàng sang chứng khoán và bất động sản. Rõ ràng, thị trường chứng khoán đã có những chuyển động đáng chú ý, mặc dù có những thời điểm giảm khá mạnh, nhưng sau đó hồi phục nhanh tạo nên sự hấp dẫn hơn hẳn so với kênh đầu tư vàng. Hơn nữa, nền kinh tế trong nước tăng trưởng tốt, "sức khỏe" của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết cải thiện nhiều, nên nhà đầu tư có cơ hội sinh lời.
Bà Trần Như My, Giám đốc Kinh doanh vàng Tập đoàn Doji cho biết, ngoại trừ những dịp lễ đặc biệt như ngày "Vía Thần Tài", ngày 8-3..., còn trong những ngày khác, lượng vàng tiêu thụ khá đồng đều, không có đột biến nên giá vàng cũng không biến động mạnh. Hơn nữa, giá vàng thế giới bình ổn cũng là yếu tố mang đến sự ổn định cho giá vàng trong nước.
Không chỉ các nhà đầu tư, nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới cũng như doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước dự báo về tương lai không mấy sáng sủa của vàng. Nền kinh tế tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán tăng điểm trên toàn cầu là nguyên nhân khiến vàng không còn là sự lựa chọn tối ưu của nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư chỉ nên mua vàng khi cần thiết, không nên mua vàng để chờ bán với giá cao thu lời.
Đối với việc quản lý thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, bên cạnh các giải pháp quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục đưa ra những giải pháp về kinh tế vĩ mô nhằm ổn định, nâng cao giá trị VND, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là tiền đề để thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng vàng hóa, từng bước chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Quan điểm nhất quán của Chính phủ là tạo lập được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, duy trì và cải thiện môi trường kinh doanh để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất, kinh doanh, hoặc gửi tiền tiết kiệm bằng VND thay vì nắm giữ những tài sản như vàng và ngoại tệ.
Bởi thực tế cho thấy, từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm; cung - cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Thị trường không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng. Trong khi đó, lượng tiền gửi VND liên tục tăng, với tốc độ tăng hằng năm quanh mức 16-20%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.