Từ sáng sớm, người dân bán vải ùn ùn mang vải tới chợ Kim (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) để bán cho các nhà cân, thương lái từ khắp nơi cho được giá. Nhưng cứ mỗi giờ trôi qua, giá vải lại có sự thay đổi, nhiều người dân bán vải chán chường bỏ đến những khu chợ khác trên địa bàn để bán.
Hiện tại vải muộn mới đang bắt đầu vào vụ, nhưng vải Thanh Hà và U Hồng đã chín rộ được người dân thu hoạch và đem tới các chợ đầu mối từ sáng sớm để tiêu thụ.
Theo ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: “Ước tính trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm nay có trên 85.000 tấn vải, vải sớm ước tính đạt khoảng 20.000 tấn và được người dân giao bán với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg”.
6h sáng tại chợ Kim (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), người dân ùn ùn chở vải tới đây để bán sớm, với mong muốn được giá cao.
Chợ Kim tập trung số lượng lớn nhà cân, thương lái từ khắp nơi đến thu mua.
Mỗi nhà cân, xe thu mua vải từ các thương lái lại có giá cả, cách khấu hao khác nhau, việc người dân lựa chọn đầu ra cho vải cũng là vấn đề nan giải. Chỉ cần vài phút lưỡng lự cũng khiến giá vải xuống do các thương lái đã mua được nhiều hàng và giảm lượng mua.
Theo người dân, mặc dù trước đó các thương lái đã loại bỏ những quả vải hỏng khá nhiều. Tuy nhiên, với mỗi tạ vải, các thương lái tiếp tục chiết khấu khoảng 5-8kg tùy theo chất lượng.
“Bán được 26.000 đồng/kg là cao lắm rồi, giờ đợi thêm chút nữa là giá lại xuống thấp hơn do bên nhà cân đã mua được nhiều hàng. Vải có đẹp giá cũng chẳng cao nữa”, anh Lý Văn Dân (35 tuổi) người bán vải tại đây cho hay.
Một người bán vải phải trả lại phiếu giá bán vải do bị ép giá khác, ngay lập tức người đàn ông bỏ về và không quay lại khu chợ.
Theo người dân, mỗi chuyến vải cách nhau vài tiếng nhưng giá đã giảm xuống. “Chuyến đầu bán được 26.000 đồng, chuyến sau bán được 22.000 đồng, chuyến vừa rồi bán chỉ còn được 20.000 đồng mà cùng một vườn”, một người dân chia sẻ.
"Giá cả tùy thuộc vào chợ, mẫu mã của từng loại vải, nhu cầu thu mua vải của các thương lái cao mà vải ít thì sẽ tự động tăng giá, còn lại lượng vải dân mang đến nhiều mà các thương lái mua không hết giá sẽ giảm", một thương lái lý giải về việc giá vải lên xuống liên tục.
Những xe vải xếp hàng chờ thương lái ra giá trên phố Kim. So với những năm trước đó, năm nay mức giá cũng không chênh lệch quá nhiều.
Để đến được các chợ, người dân đang phải di chuyển qua cây cầu phao bắc qua sông Lục Nam, được coi là cây cầu "tử thần” đối với dân chở vải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.