Những giá trị tư tưởng, tinh thần nhân văn, nhân đạo của Nguyễn Du đã đóng góp rất lớn tạo nên những giá trị tinh thần mang tầm quốc tế.
Tối nay 5/12, tại Hà Tĩnh đã diễn ra Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Ủy viên Bộ chính trị Lê Thanh Hải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đại diện một số Bộ, Ban, Ngành trung ương, đại diện tỉnh Borikhamxay – nước bạn Lào, bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cùng đông đảo nhân dân trong tỉnh đã về dự lễ.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ôn lại thân thế, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du, khẳng định những đóng góp của ông đối với nền văn học nghệ thuật của nước nhà. Đặc biệt tác phẩm Truyện Kiều của ông là đỉnh cao của nền văn học cổ điển Việt Nam, đã đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi giới hạn quốc gia, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế; tác phẩm đã đưa Nguyễn Du trở thành Danh nhân thế giới. Đến nay, kiệt tác Truyện Kiều đã được chuyển ngữ và giới thiệu trong 37 bản dịch với hơn 20 ngôn ngữ khác nhau.
Ở Việt Nam, Truyện Kiều được lưu hành rộng rãi trong nhân dân, chinh phục mọi tầng lớp độc giả từ trí thức tới người bình dân, làm lay động trái tim của bao thế hệ người Việt, là cảm hứng sáng tác cho nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa sau này. Giá trị tư tưởng, nghệ thuật sáng tác của ông luôn trường tồn và được kế thừa, phát huy trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du chúng ta bày tỏ lòng tự hào tôn vinh những cống hiến to lớn của Nguyễn Du đối với văn hóa của Việt Nam, với văn hóa nhân loại. Đây cũng là dịp để chúng ta làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng và các giá trị nghệ thuật của di sản Nguyễn Du. Tuyên truyền giáo dục truyền thống văn hiến của dân tộc, đề cao vai trò của văn học nghệ thuật đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người, quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng nhân dân cả nước cũng như người dân Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy, gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa vô giá của Nguyễn Du đến các thế hệ mai sau, tích cực giới thiệu quảng bá tác phẩm của ông đến với công chúng trong nước và nước ngoài làm rạng danh văn hóa Việt Nam”.
Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam, bà Katherine Muller Marin cũng đã phát biểu ghi nhận những giá trị trong sáng tác thi ca và sự đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du đối với sự phát triển văn học, nghệ thuật của Việt Nam và quốc tế, đặc biệt là những giá trị tư tưởng, tinh thần nhân văn, nhân đạo của Nguyễn Du đã đóng góp rất lớn tạo nên những giá trị tinh thần mang tầm quốc tế. Đó là đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái ác, xây dựng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc cho con người.
Sau phần lễ là Chương trình nghệ thuật chủ đề Tiếng thơ ai động đất trời, gồm 5 chương: Vùng đất địa linh nhân kiệt - Áo gấm về làng; Quê mẹ Kinh Bắc; Tiếng thương như tiếng mẹ ru; Nguyễn Du viết Kiều - Đất nước hóa thành văn, Khúc vui xin lại so dây cùng người. Chương trình do Cục Nghệ thuật biểu diễn và Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam thực hiện. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của 650 diễn viên chuyên và không chuyên của nhiều đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương, góp phần khẳng định tài năng, cống hiến của Nguyễn Du đối với kho tàng di sản văn học nghệ thuật Việt Nam.
Trước đó, tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quê hương của Đại thi hào đã diễn ra Tuần Văn hóa, Du lịch Nguyễn Du từ ngày 28/11 đến ngày 5/12 với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn như Liên hoan nghệ thuật quần chúng với chủ đề Tiếng tơ Tiên Điền, Hội thi thuyết minh viên du lịch Hà Tĩnh; chiếu phim về chủ đề Nguyễn Du và Truyện Kiều; trưng bày các ấn phẩm văn chương của Đại thi hào Nguyễn Du và Văn phái Hồng Sơn….cũng như các hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.