(HNMO) - Sau hơn 3 năm thực thi, tỷ lệ tận dụng những ưu đãi xuất xứ thực hiện trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) còn chưa cao ở một số nhóm ngành hàng trọng điểm. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết tiềm năng lợi thế khi thực thi CPTPP. Đây là nội dung được các đại biểu đưa ra bàn luận tại tọa đàm “Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 1-12, tại Hà Nội.
Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019, được kỳ vọng là bước ngoặt, tạo ra xung lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên.
Thực thi CPTPP đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở rộng đường cho hàng hóa Việt sang các thị trường mới mẻ và tiềm năng trong Hiệp định. Đặc biệt, tham gia CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức cắt giảm thuế quan rất ưu đãi, nhất là các mặt hàng có thế mạnh.
Tuy nhiên, ưu đãi thuế quan lớn cũng đi kèm với điều kiện về xuất xứ, yêu cầu về nguyên liệu sản phẩm nghiêm ngặt hơn khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, tỷ lệ các doanh nghiệp hiểu về Hiệp định CPTPP hay hiểu rõ về Hiệp định CPTPP đã tăng rất mạnh. Mục tiêu của Bộ Công Thương trong thời gian tới là tăng tính kết nối để vươn xa hơn và kỳ vọng sẽ có những tiến triển tích cực hơn.
Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) chia sẻ, khó khăn trong đầu tư xử lý nước thải làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp bởi chi phí không hề rẻ. Do vậy, ông Dương cho rằng làm tốt ở công đoạn nào, cạnh tranh ở chỗ đó. Ngoài ra, phải thu hút được năng lực, công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài để liên kết, nâng cao năng lực cung ứng nguyên phụ liệu trong nước.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khá nhiều nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi CPTPP cao chứ không phải nhóm hàng nào cũng thấp. Đơn cử, ngành da giày, nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài nhưng quy tắc xuất xứ khác hơn so với dệt may và đặc thù ngành da giày là các doanh nghiệp FDI có khá đông nhân công. Họ quan tâm đến FTA hơn và tận dụng ưu đãi cũng như có những chuỗi trong nội bộ để tận dụng nguồn nguyên liệu theo chuỗi.
Để tận dụng tối đa ưu đãi, bà Đỗ Thị Thu Hương mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định đem lại để biết được cơ hội ở đâu, thị trường nào và nhóm hàng nào. Mặt khác, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ, tìm hiểu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Liên quan đến việc tổ chức hệ thống cấp C/O, bà Đỗ Thị Thu Hương cho hay, Bộ Công Thương sẽ tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, thay vì hiện nay, phần lớn đều là do tổ chức cấp C/O, doanh nghiệp phải đến đăng ký nộp hồ sơ cho các tổ chức này. Tuy nhiên, sự quan tâm của doanh nghiệp liên quan đến việc tự chứng nhận xuất xứ còn đang rất hạn chế nên doanh nghiệp cần quan tâm hơn, tham gia nhiều hơn và đảm bảo được tính chủ động, tiết kiệm về mặt thời gian, chi phí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.