(HNMO) - Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội (QH) ngày 23- 5, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH Đỗ Văn Đương cho hay, bình quân mỗi năm xảy ra hơn 100.000 vụ tranh chấp án dân sự và con số này ngày càng gia tăng. Trước đây, tranh chấp trong dân cư chủ yếu xoay quanh vấn đề tài sản,
-Có thông tin án dân sự hiện nay tỷ lệ giải quyết chỉ có gần 3%, phản ánh này có đúng không thưa ông.?
- Án dân sự hiện nay rất phức tạp. Khi giá đất tăng, lòng tham con người trỗi dậy thì đến ngay cả anh em, họ hàng cũng quay ra kiện tụng nhau gay gắt về đất đai. Nhìn chung tỷ lệ giải quyết tranh chấp dạng này chỉ có gần 3%, có nhiều vụ lòng vòng xử đi xử lại 10-20 năm mà vẫn không xong...
- Tại sao các cơ quan công tố khẳng định đẩy mạnh giải quyết án dân sự, đổi mới phương pháp điều hành, nghiên cứu hồ sơ nhưng kết quả lại khiêm tốn vậy, thưa ông?
- Đó một phần do pháp luật chưa hoàn thiện. Pháp luật của mình chung quá, các quan hệ pháp luật về tài sản không cụ thể. Người thẩm phán có lúc chỉ biết dựa vào nghị quyết và đạo đức lương tâm để phán quyết
Chưa kể, quy định của Luật tố tụng dân sự khiến tòa án còn đang làm thay đương sự quá nhiều việc. Đáng lẽ, khi tranh chấp xảy ra, các bên tự đưa ra chứng cứ, tài liệu giấy tờ để chứng minh quyền lợi ích hợp pháp của mình thì tòa án vừa là người xác minh thu thập chứng cứ, vừa làm hồ sơ, người xét xử… như thế khách quan sao được. Tôi cho rằng, tòa án phải giảm dần vai trò của tòa trong việc thu thập chứng cứ, chỉ hỗ trợ người dân thu thập chứng cứ trong trường hợp bất khả kháng.
- Quá trình xét xử khá nhiều vụ việc dân sự cho thấy, một số đương sự không cung cấp chứng cứ khi toà giải quyết án sơ thẩm. Khi xét xử giám đốc thẩm lại bổ sung nhiều thông tin. Ông cho rằng tại sao có hiện tượng này?
-Đây là tình trạng khá phổ biến, vì đương sự có tâm lý “không tin tòa ở cấp dưới” cứ chờ xử giám đốc thẩm mới đưa ra. Trong khi, xét xử ở tòa giám đốc thẩm thì không còn tranh tụng vì đã thực hiện nguyên tắc chế độ 2 cấp xét xử. Vì thế nhiều bản án đã xét xử xong rồi vẫn có khiếu nại yêu cầu xử lại. Tôi cho rằng luật pháp phải nghiêm minh, có giới hạn, nên nghiên cứu ấn định thời điểm giao nộp chứng cứ ngay cấp sơ thẩm, giữ lại chứng cứ không trình ở tòa sơ thẩm, đến phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm mới trình chỉ càng làm việc xét xử án kéo dài, thủ tục tục thêm rườm rà, gây ra những tốn kém không cần thiết. Ngược laị, về tiêu chí kháng nghị, cũng phải quy định chặt chẽ, cụ thể hóa và không nên nặng về thủ tục mới ngăn được trình tự kháng nghị tràn lan. Bởi tiêu chí kháng nghị càng quy định chặt bao nhiêu thì càng dễ hiểu, người dân dễ biết nên áp dụng trong trường hợp nào.
- Qua các giám sát của Uỷ ban Tư pháp, theo ông cần làm gì để tiến tới giảm dần tình trạng tồn đọng án dân sự?
- Hầu hết các tranh chấp dân sự ở Việt Nam đều phải giải quyết bằng con đường tòa án. Có khi vì mấy đồng bạc mà phải mở cả phiên tòa xét xử. Trong khi đó, không phải cứ mọi tranh chấp đưa ra tòa là đều hay cả. Vạn bất đắc dĩ mới đem ra cơ quan công quyền, nhất là các doanh nghiệp vì các đơn vị rất sợ mất uy tín. Chúng ta phải tận dụng hòa giải giữa đôi bên để đúng với tiêu chí “việc dân sự cốt ở đôi bên” mà cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đã nói ở Quốc hội từ nhiều khóa trước. Đ ể đạt mục tiêu này, dự án Bộ luật tố tụng dân sự cần nhấn mạnh hơn việc đương sự tự thu thập chứng cứ và chứng minh để có thể thống nhất, hòa giải mà không phải ra tòa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.