(HNM) - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2004 đến nay, cả nước có khoảng 176.000 trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi...
Tự tay chăm sóc, nuôi dưỡng gần 30 trẻ bị bỏ rơi ở chùa từ lúc sơ sinh, sư thầy Thích Đàm Khoa (trụ trì chùa Trăm Gian ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ghi nhớ đặc điểm nhận dạng, những vật dụng đi kèm khi trẻ nhập chùa để sau này có cơ hội giúp các bé nhận lại người thân. Trong quá trình nuôi dưỡng, dần dà, sư thầy biết rõ nguyên cớ bị bỏ rơi của từng bé: mẹ có thai ngoài ý muốn; học sinh, sinh viên đang đi học, trẻ bị bệnh tật, bố mẹ nghèo khó nên không thể nuôi con… Đón khách vãng cảnh chùa, thăm trẻ, không ít lần sư thầy nhận ra tình cảm đặc biệt của một số vị khách nên bày tỏ nguyện vọng cho trẻ mồ côi được sống cùng đấng sinh thành, hoặc ít ra cũng có một mái ấm gia đình bình thường cho chúng bớt thiệt thòi. Tuy nhiên, bất chấp sự cố gắng của nhà chùa, số trẻ sơ sinh bị mẹ từ bỏ tại đây vẫn không giảm.
Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề chăm sóc các cháu bị bỏ rơi tại chùa. Ảnh: Quốc khánh |
Không chỉ riêng chùa Trăm Gian, tại nhà nuôi dưỡng trẻ ở Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số II (xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) và nhiều trung tâm bảo trợ xã hội khác cũng thường xuyên "nhặt" được trẻ bị bỏ rơi. Thống kê từ năm 2004 đến năm 2012, có khoảng 176.000 trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi trên toàn quốc. Trong đó, ít nhất 21.000 trẻ phải sống trong các cơ sở chăm sóc tập trung, bao gồm trẻ bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, bị nhiễm HIV, bị khuyết tật... Tỷ lệ trẻ được cho làm con nuôi (phần lớn là trẻ bị bỏ rơi) tăng gấp 4 lần so với trước năm 2004.
Tình mẫu tử vốn thiêng liêng và đứa con luôn là tương lai, niềm tự hào của người mẹ, của gia đình. Vậy tại sao số trẻ em bị gia đình từ bỏ lại ngày một tăng? Nguyên nhân chính là do một số người mẹ lâm cảnh khó khăn, bị bệnh tật, không đủ sức vượt qua hoặc không dám đối mặt với dư luận khi mang thai ngoài ý muốn. Trong số này, các bà mẹ có con mắc bệnh hiểm nghèo đòi hỏi chi phí chữa trị cao như ung thư, bệnh tim hoặc bị dị tật nặng nề… khiến họ không đủ sức cứu chữa cho con, đành chấp nhận từ bỏ để con được người hảo tâm, cộng đồng giúp đỡ. Bên cạnh đó, một số cô gái trẻ vì không được trang bị kiến thức phòng tránh thai nên đã có thai ngoài ý muốn.
Gia đình là môi trường tốt nhất cho trẻ em phát triển. Vì thế, việc hỗ trợ các bà mẹ đơn thân, gia đình nghèo để họ đủ sức đương đầu với khó khăn, dũng cảm nuôi con là giải pháp hiệu quả để tránh xảy ra những chuyện đau lòng. Tuy vậy, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Hải Hữu cho rằng, hiện tại mức trợ cấp xã hội dành cho trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn là 180.000 đồng/tháng, chỉ bằng 20% mức sống trung bình năm 2011, chưa bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Bên cạnh việc nâng mức trợ cấp cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bảo vệ các bà mẹ đơn thân, cần thiết phải xây dựng mạng lưới chăm sóc trẻ em cộng đồng. Ngoài hỗ trợ các bà mẹ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ nâng cao nhận thức, kỹ năng chăm sóc trẻ, mạng lưới có nhiệm vụ phát hiện nguy cơ bỏ rơi trẻ em ở các gia đình nghèo khó để tìm giải pháp xử lý.
Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị-xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cần đẩy mạnh giáo dục cho hội viên, đoàn viên về quyền được chăm sóc, bảo vệ của trẻ em; trách nhiệm nuôi dưỡng, bảo vệ thế hệ tương lai để cộng đồng có cái nhìn thân thiện hơn với các bà mẹ đơn thân. Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống tiếp nhận trẻ em, cho con nuôi của cộng đồng để bảo đảm quyền lợi của trẻ. GS-TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển (Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, Nhà nước cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hành vi bỏ rơi con. Điều này đã được áp dụng khá hiệu quả tại các nước tiên tiến.
Trẻ em bị bỏ rơi là vấn đề cần được quan tâm, đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng để bảo đảm môi trường phát triển lành mạnh cho thế hệ tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.