Làng trẻ em SOS Hà Nội (trụ sở chính tại số 2 phố Phạm Thận Duật, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), suốt 36 năm qua luôn thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục các em nhỏ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, mô hình hoạt động nhân văn này đang gặp nhiều khó khăn do bị cắt giảm nguồn viện trợ.
Nỗi lo không còn được ưu tiên nhận viện trợ
Trong căn phòng gọn gàng, đủ thiết bị sinh hoạt thiết yếu tại Làng trẻ em SOS Hà Nội, chị Ngô Thị Sinh (sinh năm 1976, quê ở huyện Sóc Sơn) vừa nấu bữa trưa, vừa chuyện trò gần gũi cùng các con nhỏ. Chị như người mẹ chăm sóc các em nhỏ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Làng trẻ em SOS Hà Nội trong suốt 22 năm qua. Trao đổi cùng phóng viên Báo Hànộimới, chị chia sẻ: “Thấm thoắt, đã có 19 trẻ lần lượt qua tay tôi chăm sóc. Một số con đã tốt nghiệp đại học, đơn cử như con T.T.M, vào Làng năm học lớp 7 do hoàn cảnh riêng, đặc biệt là biến cố bố đẻ bị qua đời vì tai nạn giao thông. Vượt mọi khó khăn, con học rất giỏi, hiện đang học cao học tại Singapore. Ngoài ra, có 4 con đã tốt nghiệp đại học sư phạm, đang tham gia dạy học ở các trung tâm. Hiện tôi đang chăm sóc, nuôi dưỡng 8 con, cháu nhỏ nhất mới 4 tuổi”.
22 năm gắn bó với Làng trẻ em SOS Hà Nội, chị Ngô Thị Sinh chưa lúc nào thấy băn khoăn về quyết định trở thành mẹ của các con ở đây. Tuy nhiên, theo chị Sinh, hiện nay, do Làng gặp khó khăn về kinh phí, nên các mẹ ở Làng đều rất lo lắng. Bởi nếu không có giải pháp hỗ trợ, mọi người lo ngại nhiều người phải nghỉ việc, các trẻ không có điều kiện để chăm sóc...
Đây cũng là tâm tư của nhiều cán bộ, nhân viên của Làng trẻ em SOS Hà Nội cũng như nhiều trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây.
Được biết, Làng trẻ em SOS Hà Nội là một trong 2 Làng trẻ em SOS đầu tiên được xây dựng theo Hiệp định ký giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Làng trẻ em SOS Quốc tế. Làng trẻ em SOS Hà Nội được khởi công xây dựng năm 1988 và hoàn thành vào giữa năm 1989, với 16 nhà gia đình. Làng trẻ em SOS Hà Nội được thành lập theo quyết định số 3286/QĐ-UB, ngày 14-7-1988 của UBND thành phố Hà Nội.
Ở vào thời điểm bước sang năm hoạt động thứ 36, Giám đốc Làng trẻ em SOS Hà Nội Nguyễn Văn Sinh cho biết, hoạt động của Làng các năm qua dựa vào việc tiếp nhận kinh phí viện trợ không hoàn lại từ Tổ chức SOS Quốc tế và các nhà tài trợ. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, nên các làng trẻ em SOS tại Việt Nam, trong đó có Làng trẻ em SOS Hà Nội, không còn được ưu tiên nhận viện trợ từ SOS quốc tế.
Cần có giải pháp gỡ khó về lâu dài
Khó khăn của Làng trẻ em SOS Hà Nội nằm trong khó khăn chung của các làng trẻ em SOS một số tỉnh, thành khác. Hiện SOS Quốc tế đã thông báo sẽ dừng hỗ trợ đối với 6 làng trẻ em SOS, gồm các tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Bình, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), thành phố Huế (Thừa Thiên Huế), thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), từ ngày 1-1-2025; đồng thời thông báo sẽ dừng hỗ trợ đối với các làng còn lại trong thời gian tới.
Chia sẻ nỗi lo với Làng trẻ em SOS Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong bày tỏ: “Nhiều năm qua, Làng trẻ em SOS Hà Nội luôn là một địa chỉ tin cậy, đã góp phần không nhỏ trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục các em nhỏ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bối cảnh mới đòi hỏi phải sớm có mô hình mới, góp phần gỡ khó cho hoạt động của Làng, duy trì tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các em nhỏ”.
Hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trong giai đoạn đàm phán, thống nhất với Làng trẻ em SOS Quốc tế về việc chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, hoạt động của các đơn vị thuộc hệ thống SOS Việt Nam và nguồn kinh phí hỗ trợ của Làng trẻ em SOS Quốc tế trong các năm tiếp theo. Trước mắt, để duy trì hoạt động ổn định của các làng trẻ em SOS cơ sở, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã có công văn đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan, bao gồm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính xem xét, cân đối, bố trí ngân sách hỗ trợ phần kinh phí hoạt động thường xuyên hằng năm bị thiếu hụt cho Làng trẻ em SOS của địa phương.
Trong bối cảnh hiện nay, một giải pháp cần lưu ý là rà soát đối tượng đang được chăm sóc tại Làng trẻ em SOS Hà Nội, cân đối, bố trí ngân sách để thực hiện hỗ trợ các chế độ quy định đối với trẻ em thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội theo quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Mong rằng, Làng trẻ em SOS Hà Nội sớm thoát khỏi tình trạng “chấp chới” về mô hình, cơ chế để có thể duy trì hoạt động ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.