(HNM) - "Các địa phương để mở quá nhiều đường ngang, nhiều hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, hiện chưa làm rõ được trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý đường ngang dân sinh qua đường sắt; thiếu kiên quyết trong xử lý những hành vi vi phạm...". Đó là nhận định của Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng trước tình trạng tai nạn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp thời gian qua.
Diễn biến phức tạp
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 6 tháng đầu năm 2019, trên các tuyến đường sắt đã xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông, làm chết 53 người, bị thương 30 người. So với cùng kỳ năm 2018, tai nạn giao thông đường sắt tăng 14 vụ (22,9%), tăng 4 người chết (8,1%), tăng 5 người bị thương (20%).
Tháng 7-2019, tình hình tai nạn giao thông đường sắt tiếp tục diễn biến phức tạp, với 20 người chết, so với tháng 7-2018 tăng 9 người (81,8%); so với tháng 6-2019 tăng 11 người chết (122,2%). Các địa phương xảy ra nhiều tai nạn là Hà Nội (19 vụ), Khánh Hòa (16 vụ), Hải Dương (10 vụ), Bắc Giang và Thanh Hóa (cùng 9 vụ)...
Tìm hiểu nguyên nhân tại sao Hà Nội lại trở thành một trong những địa phương có số vụ tai nạn giao thông đường sắt cao, phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận thực trạng tại một số khu vực. Thực tế cho thấy, các tuyến đường sắt trên địa bàn Thủ đô chủ yếu đi qua các khu vực đông dân cư, nên việc vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt rất phức tạp, đặc biệt là tại các tuyến đường Lê Duẩn, Giải Phóng, Phùng Hưng, khu vực gầm cầu Long Biên, cầu Thăng Long...
Thậm chí, ở đoạn nối từ phố Trần Phú kéo dài dọc tuyến đường sắt bám theo đường Phùng Hưng gần đây đã hình thành "phố" cà phê thu hút rất đông khách đến uống nước, chụp ảnh. Lực lượng chức năng đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, nhưng đến nay vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Anh Phạm Chí Dũng (ngõ 343 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng) cho biết, anh đã từng uống cà phê tại khu đường tàu phố Phùng Hưng. "Nhiều người, nhất là khách nước ngoài và các bạn trẻ đến đây vì thấy lạ. Tuy nhiên, uống cà phê và chụp ảnh theo cách như vậy là rất nguy hiểm", anh Dũng chia sẻ.
Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), đoạn dọc hành lang tuyến đường sắt Bắc - Nam từ Km8+190 đến Km8+560 từ lâu cũng đã xuất hiện hàng chục lối đi dân sinh tự mở, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải cho biết, đơn vị đã nhiều lần tổ chức rào nhằm thu hẹp lối đi để hạn chế tai nạn, nhưng sau đó lại bị người dân tháo dỡ.
Quá nhiều đường ngang, lối đi tự mở cũng là thực trạng chung tại nhiều tỉnh, thành phố khác. Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nhận định, ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, chủ quan, thiếu quan sát, trong khi đường ngang giao cắt, lối đi tự mở quá nhiều là vấn đề nan giải trong bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.
Vụ một thanh niên phóng xe máy với tốc độ cao, lao húc đổ rào chắn đường sắt trên đường Võ Thị Sáu (phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đúng lúc đoàn tàu chạy qua và bị tử vong tại chỗ hồi 23 giờ ngày 5-8, là một điển hình cho hạn chế về ý thức giao thông, nhất là với những người trẻ.
Theo thống kê của VNR, trên mạng lưới đường sắt quốc gia hiện có 5.719 giao cắt đồng mức, trong đó có 4.058 lối đi dân sinh tự mở. Ngoài ra, có khoảng 14.000 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Khoảng 70% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các lối đi tự mở và đường ngang dân sinh.
Cần làm rõ trách nhiệm
Như vậy, tai nạn giao thông đường sắt gia tăng vẫn đến từ những nguyên nhân rất cũ. Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong phối hợp với ngành Đường sắt, nhưng vì thiếu kinh phí để bố trí người cảnh giới, làm đường gom... nên hiệu quả còn hạn chế. Tại Quyết định số 994/QĐ-TTg (ngày 19-6-2014) của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu bố trí 26.358 tỷ đồng để cải tạo đường sắt, đóng các đường ngang dân sinh. Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn này mới chỉ "rót" được khoảng 200 tỷ đồng.
Nhằm hạn chế tai nạn giao thông, VNR đã bố trí lực lượng trực cảnh giới tại 44 đường ngang có nguy cơ tai nạn cao; thông báo lịch trình chạy tàu thường xuyên cũng như vào dịp cao điểm để các địa phương chủ động bố trí cảnh giới tại các đường ngang do địa phương đảm trách theo quy chế phối hợp; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo... nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Trong đó, có thông điệp mỗi người hãy dành 30 giây quan sát khi đi qua đường ngang giao cắt với đường sắt thì sẽ hạn chế được tai nạn.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo các quận, huyện thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn thuộc trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số xã, phường chưa làm hết trách nhiệm.
Mới đây, Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố đã yêu cầu chủ tịch, trưởng ban an toàn giao thông các quận, huyện có đường sắt đi qua chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết không để phát sinh lối đi tự mở; phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam lập kế hoạch và lộ trình để xóa bỏ các lối đi này.
Trong thời gian chờ xóa bỏ, cần bố trí nhân lực cảnh giới tại các điểm mở có nguy cơ cao về tai nạn giao thông; phối hợp với cơ quan liên quan giải tỏa hành lang an toàn giao thông; tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm trên địa bàn quản lý...
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, cần nâng cao và làm rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua, để việc quản lý hành lang an toàn đường sắt được bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định và an toàn. Nếu không xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm hành lang đường sắt thì sẽ vẫn còn tai nạn xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.