(HNM) - Mức giảm giá hàng hóa, dịch vụ khuyến mãi có thể lên đến 70% giá trị (quy định hiện hành không vượt quá 50%); đề xuất bãi bỏ quy định về tổng thời gian khuyến mãi. Đây là nội dung quy định tại Điều 6 và Điều 9, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4-4-2006 quy định chi tiết một số điều của Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, đang được Bộ Công Thương hoàn thiện. Nếu nội dung này được áp dụng, nguy cơ dùng sim
Cụ thể, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Trong trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung (như tuần khuyến mãi, tháng khuyến mãi, mùa khuyến mãi, ngày lễ khuyến mãi...) thì mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi có thể lên đến 70%. Còn theo Điều 9 của dự thảo Nghị định sửa đổi có 2 phương án: “Phương án 1, tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mãi bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 90 ngày/năm; một chương trình khuyến mãi không được vượt quá 45 ngày. Phương án 2, bỏ khoản này”. Như vậy, có thể thấy, một số quy định của dự thảo đã “mở” so với quy định cũ, tăng thêm giá trị khuyến mãi và có thể bỏ giới hạn về thời gian thực hiện khuyến mãi trong năm.
Trước đây, đặc biệt trong giai đoạn 2009-2011, các nhà mạng đã cạnh tranh bằng "mưa" khuyến mãi, với giá trị “khủng”, có thời điểm lên tới 170% giá trị thẻ nạp và không giới hạn thời gian. Từ tháng 7-2011, ba nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, VinaPhone dừng chương trình khuyến mãi 100% giá trị thẻ nạp. Nhưng thay vào đó là các chương trình khuyến mãi để phát triển thuê bao mới. Cộng với việc quản lý thuê bao trả trước lỏng lẻo, đã dẫn đến tình trạng dùng hết tài khoản khuyến mãi khách bỏ sim cũ mua sim mới; thuê bao phát triển ảo (có thời điểm lên tới hơn 130 triệu thuê bao trong khi số dân hơn 90 triệu người), tài nguyên kho số bị lãng phí. Đặc biệt, kéo theo hệ lụy tin nhắn "rác" quảng cáo, tin nhắn lừa đảo, gây bức xúc xã hội.
Từ cuối năm 2016 đến nay, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có những hành động cụ thể, siết chặt quản lý thuê bao trả trước và kết quả lượng tin nhắn "rác" giảm rõ rệt. Lượng thuê bao tính đến tháng 9-2017 giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái (hiện còn 113,2 triệu thuê bao di động). Vì vậy, những nỗ lực của ngành Thông tin - Truyền thông có thể “phá sản” nếu những quy định về khuyến mãi, sửa đổi nêu trên được áp dụng, đẩy các nhà mạng vào cuộc đua khuyến mãi mới.
Vì vậy, góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2006/NĐ-CP, Bộ Thông tin - Truyền thông đã đề xuất tiếp tục quy định hạn mức khuyến mãi tối đa; mức giảm giá tối đa cụ thể đối với từng lĩnh vực chuyên ngành căn cứ theo quy định của pháp luật liên quan, trên tinh thần bảo đảm khuôn khổ hạn mức khuyến mãi tối đa 50%. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền của cơ quan quản lý chuyên ngành đối với việc quản lý xúc tiến thương mại trong lĩnh vực chuyên ngành, nhằm ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong đăng ký giá cước và đăng ký khuyến mãi.
Đối với ngành Viễn thông cạnh tranh bằng khuyến mãi không hẳn là điều có lợi, vì nó sẽ đẩy các nhà mạng vào cuộc đua phá giá và nếu thường xuyên sẽ làm méo mó thị trường. Khi đó, doanh nghiệp nào yếu hơn sẽ phá sản và xuất hiện tình trạng độc quyền, hoặc doanh nghiệp “bắt tay” nhau cùng tăng giá và cuối cùng người tiêu dùng lại bị thiệt hại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.