(HNM) - Những ngày gần đây giá rau xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng khá cao bởi nhiều lý do, đặc biệt là việc thời tiết thất thường dẫn đến năng suất, nguồn cung giảm. Dù vậy, người nông dân Thủ đô vẫn không được hưởng nhiều lợi ích từ đợt tăng giá này, chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chi phí sản xuất vẫn ở mức cao.
Mưa nhiều, giá vật tư nông nghiệp cao
Thời điểm hiện tại, giá các loại rau ở nhiều chợ trên địa bàn thành phố tăng cao. Một số loại tăng vài lần so với các tháng trước, như rau muống, mồng tơi, ngót, cải… từ 15.000 đến 20.000 đồng/bó (tăng gấp 2 lần); các loại rau mùa hè dù đang chính vụ vẫn tăng cao như cải xoong từ 10.000 đồng/mớ lên 25.000 đồng/mớ; xà lách 20.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg, cà chua từ 15.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg…
Lý giải nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Vân, hộ trồng rau tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì chia sẻ, hơn 2 tháng qua, sau các trận mưa lớn gây ngập úng lại đến các đợt nóng nắng gay gắt khiến rau xanh bị thối hỏng. Đối với diện tích sản xuất ngoài trời, tỷ lệ rau hỏng lên tới 70%, diện tích rau trong nhà màng, nhà lưới cũng bị ảnh hưởng.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại huyện Mê Linh, vựa rau xanh của Thủ đô với hơn 1.000ha mỗi vụ, từ đầu tháng 6 đến nay, tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt đã có 2 đợt nhiều ruộng rau bị mốc, thối… Trong khi đó, những hộ dân có ruộng thấp, nước ứ đọng, khó xuống giống. Ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Đông Cao) cho biết, với rau ăn lá, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch chỉ khoảng 15 - 25 ngày, nhưng mưa lớn liên tục khiến việc xuống giống gặp khó khăn. Đã 2 tháng nay, cứ thu được một lứa rau giá cao thì lại có một lứa mất mùa do thời tiết. Mỗi lần xuống giống, nông dân mất nhiều công dọn dẹp, xử lý nền đất, vì thế, dù rau được giá nhưng người nông dân thực sự không thu được nhiều lãi. Chưa kể thời tiết thay đổi khiến sâu ăn lá phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất.
Còn tại các vùng trồng rau của huyện Phú Xuyên, theo bà Hoàng Thị Nhung ở xã Hồng Thái, cùng với những vất vả khi khôi phục các vườn rau, điều người dân lo lắng là giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao. Ví như phân DAP là loại nông dân thường sử dụng, sau 3 lần tăng giá, mỗi lần 100.000 đồng/bao, nay đã lên gần 1,4 triệu đồng (loại 50kg); chi phí bơm nước, cải tạo đất sau ngập úng cũng tăng... Do đó, dù giá rau xanh tăng gấp đôi, nhưng nếu tính cả công chăm sóc, các rủi ro do thời tiết, giá vật tư phân bón, giống cây trồng thì lợi nhuận của người trồng rau không tăng tương ứng với mức tăng giá bán.
Cần giải pháp phát triển bền vững
Thực tế cho thấy, trồng rau màu vụ hè, nông dân không có lãi nhiều. Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau củ sạch Hồng Hà (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Thị Mai, yếu tố thời tiết mang tính tạm thời và khó tránh, do đó để các vựa rau xanh của Hà Nội phát triển ổn định, người nông dân có lãi..., thành phố cần đầu tư hơn nữa cho hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, tạo thuận lợi cho việc tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ. Hiện nay, không chỉ khu vực nội thành mà nhiều khu vực ngoại thành cũng rơi vào tình trạng cứ mưa là ngập úng.
Đồng quan điểm, chị Chu Thị Thủy, phụ trách sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (huyện Sóc Sơn) thông tin, hệ thống tiêu thoát nước trong khu vực không tốt nên sau mỗi đợt mưa, nhiều diện tích trồng rau bị ngập úng. Do đó, rất mong thành phố đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để hạn chế rủi ro về thời tiết.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, vụ hè năm nay thành phố có diện tích rau màu hơn 13.000ha, trong đó có hơn 5.000ha chuyên canh, sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP. Nông dân có kinh nghiệm thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhưng diện tích áp dụng công nghệ cao vẫn còn khiêm tốn so với tổng diện tích rau màu trên địa bàn thành phố. Vì vậy, sản lượng rau màu mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu tiêu dùng của thành phố, còn lại là nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Thời gian qua, không chỉ Hà Nội mà các địa phương lân cận cũng đều bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan nên lượng rau xanh về Thủ đô giảm, ngoài ra các chi phí sản xuất tăng cao, tác động không nhỏ đến giá thành sản phẩm... Do đó, giá rau xanh tại chợ tăng nhưng nông dân được hưởng lợi không đáng kể.
Từ nay đến cuối vụ hè, người nông dân mong muốn "mưa thuận gió hòa", giá vật tư "đầu vào" sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm... để hạ chi phí sản xuất; còn cơ quan chức năng triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất rau, đáp ứng nguồn cung cho thị trường.
Về lâu dài, ngành Nông nghiệp và các địa phương của thành phố cần triển khai những giải pháp đồng bộ, căn cơ, tăng cường đầu tư hạ tầng, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau nói riêng, trồng trọt nói chung. Qua đó, nâng cao sản lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.