(HNM) - Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số, với tỷ lệ người trên 65 tuổi gia tăng ngày càng nhanh. Kéo theo đó, các bệnh lý liên quan đến tuổi già cũng tăng lên đáng kể, trong đó có tình trạng sa sút trí tuệ.
Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) chăm sóc người bệnh điều trị sa sút trí tuệ. |
Sau 5 năm, tỷ lệ mắc bệnh tăng gần gấp đôi
Nghiên cứu dịch tễ học ở nước ta cho thấy, tỷ lệ sa sút trí tuệ chiếm khoảng 5% ở người trên 60 tuổi. Như vậy, Việt Nam có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ và xu hướng này ngày càng gia tăng. Nghiên cứu tại Bệnh viện Lão khoa trung ương cho thấy, trong số người bệnh trên 60 tuổi, tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ chiếm 4,6%. Trung bình cứ sau 5 năm, tỷ lệ này lại tăng gần gấp đôi.
Bác sĩ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Lão khoa trung ương) cho biết, ở Việt Nam, già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng khiến mô hình bệnh tật cũng thay đổi, kéo theo sự gia tăng các bệnh mạn tính, bệnh thoái hóa, trong đó có sa sút trí tuệ. Đây là một hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây nên, có một số đặc điểm điển hình như: Giảm trí nhớ ngắn hạn; giảm khả năng ngôn ngữ; giảm hoạt động xã hội; giảm khả năng tổng hợp, suy luận và chức năng điều hành…
Biểu hiện của chứng sa sút trí tuệ có nhiều giai đoạn, từ nhẹ đến nặng. Ban đầu, người bệnh cảm thấy giảm trí nhớ gần, giảm khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ, thay đổi cá tính, cảm xúc. Khi bệnh tăng dần lên, họ giảm hoặc mất khả năng thực hiện các công việc hằng ngày như: Vệ sinh cá nhân, ăn uống; mất định hướng về không gian và thời gian...
Tiến sĩ Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị tâm thần người già, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm, hiện trên thế giới cứ 3 giây lại có thêm 1 người bị sa sút trí tuệ. Tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, gần như ngày nào cũng tiếp nhận các bệnh nhân đến khám, vì có biểu hiện sa sút trí tuệ. Trong đó, khoảng 60-80% bệnh nhân sa sút trí tuệ nhập viện do bệnh lý Alzheimer và đối tượng mắc bệnh thường là những người trên 60 tuổi. Nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam.
Điều đáng nói, nhiều người khi thấy có biểu hiện suy giảm trí nhớ là nghĩ đến dấu hiệu do tuổi tác, nên bỏ qua cơ hội khám và điều trị. Chính vì vậy, đa phần người bệnh nhập viện đều ở giai đoạn muộn.
Không chỉ người cao tuổi mà những người có các yếu tố nguy cơ như: Tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì, đái tháo đường type 2… đều có thể mắc sa sút trí tuệ. Tiến sĩ Trần Thị Hà An lưu ý, sa sút trí tuệ không chỉ xảy ra ở người già và không phải ai già cũng bị bệnh. Thậm chí, có những trường hợp mới 50 tuổi cũng bị.
Hơn nữa, hội chứng này không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân người bệnh, mà còn gây ra những khó khăn cho người thân xung quanh. Do những vấn đề căng thẳng kéo dài khi phải chăm sóc người bị sa sút trí tuệ, nên có trường hợp chính người thân của người bệnh lại rơi vào trạng thái trầm cảm. Vì vậy, song song với điều trị cho người bị sa sút trí tuệ, các bác sĩ còn phải hỗ trợ tư vấn, giúp đỡ cho người thân của họ.
Điều trị càng sớm càng tốt
Theo Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, hiện tượng hay quên mà nhiều người đang mắc phải, chỉ là chứng quên tạm thời và tự bản thân người đó có thể khắc phục được. Còn với bệnh sa sút trí tuệ thì người bệnh không thể nhớ nổi, ngay cả những việc nhỏ nhất. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc được quảng cáo có tác dụng bổ não, dưỡng não, tuần hoàn não, tăng cường trí nhớ.
Tuy nhiên, chỉ có 3 loại thuốc điều trị sa sút trí tuệ được cấp phép lưu hành và được dùng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Do đó, người dân cần thận trọng khi mua thuốc và người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc điều trị được bác sĩ chỉ định.
Chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông). |
Tiến sĩ Trần Thị Hà An cho biết, sa sút trí tuệ không phải là bệnh có thể chữa khỏi, mà chỉ điều trị giảm triệu chứng. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc, hoặc dùng thuốc và chăm sóc toàn diện có thể làm giảm các triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Tuy nhiên, để hiệu quả, việc quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Khi có 10 biểu hiện, gồm: Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hằng ngày; khó khăn trong việc giải quyết vấn đề; khó khăn trong hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc; nhầm lẫn về thời gian và không gian; khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian; phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết, đọc; đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ; giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định; thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội; thay đổi cảm xúc và nhân cách, người bệnh cần đi khám để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Ông Phạm Thắng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương cho rằng, để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong cộng đồng, thời gian tới, hệ thống chăm sóc chuyên ngành lão khoa cần được củng cố. Việc đẩy mạnh mạng lưới chăm sóc lão khoa sẽ giúp phát hiện sớm và quản lý bệnh sa sút trí tuệ nói riêng và các bệnh ở người cao tuổi nói chung một cách hiệu quả, giảm bớt chi phí cho người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.