Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Vì sao doanh nghiệp không “mặn mà”?

Hương Thủy| 06/08/2020 07:20

(HNMO) - Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến hạn, số doanh nghiệp gửi giấy đề nghị đến cơ quan thuế thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Vậy, vì sao doanh nghiệp không “mặn mà” với chính sách này?

Ngành Thuế đã tích cực hỗ trợ người nộp thuế thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.

Số lượng giấy đề nghị gia hạn thấp hơn dự kiến

Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 8-4-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Theo tính toán, khoảng 740.000 doanh nghiệp, tổ chức và hầu hết hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất 5 tháng, với giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng. Thời hạn gửi giấy đề nghị gia hạn đến cơ quan thuế chậm nhất là ngày 30-7-2020.

Ngay sau khi nghị định có hiệu lực thi hành, ngành Thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền nội dung chính sách, hướng dẫn người nộp thuế nộp giấy đề nghị gia hạn; nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt, tạo điều kiện để người nộp thuế có thể gửi giấy đề nghị gia hạn trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Tính đến ngày 30-7-2020, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận hơn 179.240 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất, với số tiền là 53.645 tỷ đồng.

Lý giải về số doanh nghiệp đề nghị thấp hơn nhiều so với dự kiến, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) Nguyễn Đức Huy cho rằng, trước tiên, việc triển khai Nghị định số 41/2020/NĐ-CP đúng vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên người nộp thuế tiếp nhận, thực hiện thủ tục gia hạn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có số thuế phát sinh lớn mới làm thủ tục gia hạn. Còn những doanh nghiệp có số thuế phát sinh ít “ngại” thực hiện thủ tục hoặc tâm lý của chủ doanh nghiệp là muốn trả dần tiền thuế để khỏi dồn vào một lần cuối năm.

“Hơn nữa, nếu có nguồn tiền nhàn rỗi trong điều kiện không thể đầu tư ở giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì doanh nghiệp sẽ chọn phương án nộp thuế chứ không cần gia hạn”, ông Nguyễn Đức Huy nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã thực hiện các nghĩa vụ thuế từ tháng 3-2020, trước giai đoạn được gia hạn. Riêng với doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất, hợp đồng thuê đất thường theo phương thức trả tiền hằng năm và có thể tiền thuê đất năm 2020 đã được nộp nên không có nhu cầu gia hạn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đưa quan điểm, chính sách trên không phải là miễn hay giảm thuế, mà chỉ là gia hạn thời hạn nộp thuế. Vì vậy, với nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, số tiền được gia hạn không lớn và thời gian gia hạn không dài nên không “mặn mà” gửi giấy đề nghị. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không phát sinh doanh thu, phát sinh thuế, nên không có nhu cầu gia hạn thuế.

Triển khai mạnh mẽ giải pháp phòng, chống dịch

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours chia sẻ, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu và thuế nên không làm thủ tục gia hạn thuế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vẻ, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị kỹ thuật và công nghệ AVCO (quận Hoàng Mai) cho biết, doanh nghiệp không gửi giấy đề nghị gia hạn thuế bởi số thuế phát sinh thấp.

Vấn đề của các doanh nghiệp hiện tại là ứng phó với dịch Covid-19 đang diễn ra tại Việt Nam cũng như nhận được các chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông - vận tải (Vietravel), việc dịch Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng ở nước ta có thể khiến doanh nghiệp lỡ mất cơ hội hồi phục. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục triển khai mạnh mẽ giải pháp phòng, chống dịch, nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan. Đây là cách hỗ trợ quan trọng nhất giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, vào thời điểm này, chung tay đẩy lùi dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Khi dịch bệnh được kiểm soát thành công, nền kinh tế sẽ giảm bớt mức độ bị ảnh hưởng. Cũng theo vị chuyên gia này, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đối tác của không ít doanh nghiệp hoãn đơn hàng cũ, không đặt đơn hàng mới khiến doanh nghiệp không có việc làm. Vì vậy, song song với kiểm soát dịch bệnh, cần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, tìm kiếm thị trường nước ngoài mới bên cạnh thị trường truyền thống.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cùng với chính sách gia hạn thuế, tiền sử dụng đất, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm phí, tiền thuê đất, khuyến khích khởi nghiệp… đã được triển khai. Tổng cục Thuế cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí, thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; đồng thời ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp để đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Vì sao doanh nghiệp không “mặn mà”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.