(HNM) - Xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng mang đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội phát triển kinh tế, tiếp cận, giao lưu văn hóa cũng như những thách thức nảy sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường.
Gia đình hạnh phúc là nền tảng cho sự phát triển của xã hội. |
Cơ hội và thách thức
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, các hình thức gia đình ngày nay đã đa dạng hơn trong khi quy mô, cơ cấu, chức năng cũng có nhiều thay đổi, tác động đáng kể tới hệ thống giá trị gia đình. Sự phát triển của công nghiệp hóa tạo điều kiện cho gia đình Việt Nam tiếp cận những giá trị kinh tế, văn hóa của xã hội hiện đại nhưng cũng đồng thời mang đến nhiều thử thách mới. Để tham gia vào sự phân công lao động đương thời, nhiều gia đình phải chấp nhận phân tán. Việc phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và bình đẳng về kinh tế với nam giới cũng làm cho họ vắng bóng nhiều hơn trong môi trường gia đình...
Yếu tố quan hệ gia đình lỏng lẻo, thiếu sự chăm sóc lẫn nhau làm gia tăng ly hôn, ly thân, sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn, nạo phá thai và bạo lực gia đình... Thống kê từ Viện Nghiên cứu Gia đình và giới (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), trung bình mỗi năm cả nước có trên 60 nghìn vụ ly hôn, trong đó mâu thuẫn về lối sống, áp lực kinh tế và bạo lực gia đình là lý do chủ yếu.
Báo cáo khác từ Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL, từ năm 2012 cho đến nay, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 20 nghìn vụ bạo lực gia đình, 80% số vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực…
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, Tiến sĩ Trần Thị Minh Thi cho hay, số vụ ly hôn hiện đã tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước. Ngay ở nơi coi trọng truyền thống văn hóa gia đình như tỉnh Thừa Thiên - Huế, số vụ ly hôn cũng tăng theo từng năm, trong đó ly hôn do mâu thuẫn và bạo lực gia đình chiếm tới 60%.
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng nhận định, cuộc sống hiện đại đã tác động đến đời sống gia đình, làm phôi pha lối ứng xử truyền thống. Guồng quay của xã hội hiện đại khiến không ít bậc phụ huynh chỉ mải kiếm tiền mà thiếu quan tâm, chăm lo cho thế hệ tương lai.
Sự xuống cấp những nguyên tắc, chuẩn mực trong gia đình, sự vi phạm cũng như chấp nhận những sai lệch chuẩn mực ngày càng dễ dàng và phổ biến. Hàng loạt vấn đề xã hội nảy sinh, len lỏi vào từng gia đình, trở thành nỗi bức xúc của chính gia đình và xã hội mà tệ nạn xã hội hay hiện tượng vô cảm là ví dụ.
Hội thi tổ dân phố văn hóa tiêu biểu, gia đình văn minh, hạnh phúc TP Hà Nội năm 2018. |
Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống gia đình
Gia đình là nền tảng xã hội. Việc phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong công tác xây dựng gia đình có đời sống kinh tế phát triển, văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú là yêu cầu bức thiết của xã hội. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, đẩy lùi bạo lực gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình Việt Nam với những giá trị truyền thống nhân văn tốt đẹp.
Có thể kể đến hàng loạt các văn bản liên quan đến lĩnh vực này như: Chỉ thị 55-CT/TƯ ngày 28-6-2000 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 29-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án 2589 về tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 hằng năm; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 629/QĐ-TTg ngày 29-5-2012 và đặc biệt là Quyết định 72/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 28-6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam.
Mới đây nhất, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, quy định các ứng xử chuẩn mực trong quan hệ của vợ chồng, ông bà, cha mẹ, con cháu, anh chị em… với các tiêu chí ứng xử chung gồm: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ.
Để khắc phục những hạn chế của gia đình Việt Nam trước những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Cảnh Khanh đã đưa ra một số giải pháp như: Cần nâng cao hệ giá trị gia đình; bảo đảm cơ sở vật chất và tinh thần cho gia đình; phát huy các giá trị truyền thống; xây dựng các quy chuẩn văn hóa mới về gia đình; tăng cường quản lý nhà nước về gia đình; phát huy vai trò của cộng đồng; đồng thời, trị liệu, ngăn chặn khủng hoảng gia đình.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, cùng với việc xây dựng các chuẩn mực mới về văn hóa gia đình, các cơ quan chức năng cần có thêm các chương trình giáo dục kiến thức, kỹ năng về gia đình cho thanh niên trước khi kết hôn; tăng cường trang bị kiến thức nền tảng về văn hóa gia đình cho trẻ nhỏ trong các nhà trường…
Trong thời gian tới, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ được Bộ VH-TT&DL triển khai thí điểm tại 9 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Việc triển khai theo các bước: Xây dựng tài liệu thí điểm; tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp; lồng ghép nội dung tiêu chí vào quy ước, hương ước thôn, làng, dòng họ; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện bộ tiêu chí; tổ chức phát động các hộ gia đình đăng ký, cam kết; tổng kết hoạt động thí điểm để có cơ sở hoàn thiện Bộ tiêu chí và đánh giá tính khả thi triển khai thực hiện Bộ tiêu chí trên toàn quốc... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.