(HNM) - Giá dầu thế giới vừa ghi nhận tuần tụt dốc mạnh nhất trong vòng 8 tháng. Cú lao dốc mới nhất của giá dầu đã đẩy các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Venezuela và các nước nhóm mới nổi trông chờ vào xuất khẩu dầu đứng trước một cú sốc thứ hai về kinh tế.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 12-2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,01 USD, tức 2,4%, xuống còn 40,74 USD/thùng. Tính cả tuần qua, giá dầu đã "bốc hơi" 8%, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 13-3. Trên thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn hạ 46 cent, tương đương 1,04% xuống mức 43,60 USD/thùng.
Theo các nhà phân tích, "vàng đen" trên các thị trường năng lượng lớn của thế giới đồng loạt giảm mạnh là do những thông tin đã được Baker Hughes công bố. Theo đó, số các giàn khoan dầu tại Mỹ tuần qua tăng lần đầu tiên trong gần 3 tháng. Như vậy, tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ hiện đã lên mức 574. Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng cho biết, có khoảng hơn 3 tỷ thùng dầu và các sản phẩm dầu đang lênh đênh trên biển trong các tàu chứa dầu trên khắp thế giới. Số dầu đang tìm bến đậu này góp phần vào "bữa tiệc" nhấn chìm giá dầu. Ước tính mỗi ngày trôi qua, thế giới sẽ dư thừa thêm từ 0,7 đến 2,5 triệu thùng dầu.
Tình trạng thừa cung sẽ tiếp tục gây áp lực mạnh lên giá dầu. Cả Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và IEA đều lên tiếng cảnh báo về tình hình cung vượt cầu trên thị trường thế giới khiến giá dầu giảm kể cả khi sản lượng của các nước ngoài OPEC giảm trong năm tới như dự đoán.
Theo thống kê, từ tháng 6-2014 đến nay, giá dầu đã giảm 2/3 giá trị. Trong bối cảnh hiện nay, không có lý do gì để hy vọng giá dầu sẽ sớm phục hồi. IEA khẳng định, với dự trữ dầu quá lớn như hiện nay, thị trường có khả năng đứng vững nếu bất kỳ nước nào đột ngột cắt nguồn cung dầu ra thị trường. Nhưng, đây lại là tin chẳng lành với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trên khắp các châu lục. Theo nhận định của giới kinh doanh dầu mỏ, mức 60 USD/thùng hoặc cao hơn sẽ khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng; song, nếu chỉ 40 USD/thùng hoặc thấp hơn - có dự báo chỉ còn 20 USD/thùng - sẽ khiến nhiều giếng dầu phải đóng cửa.
Không phải vô căn cứ khi mới đây, Bộ Phát triển Kinh tế Nga đưa ra cảnh báo về một cú sốc thứ hai với nền kinh tế nước này nếu giá dầu "đứng im" ở mức 40 USD/thùng trong ba năm tới. Theo kịch bản này, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2016 sẽ giảm 1% và có thể lấy lại đà tăng trưởng nhẹ ở mức 1,3% vào năm 2017. Đến năm 2018, tăng trưởng mới trở lại mức 2,3%. Tuy nhiên, lạm phát mới là điều đáng lo ngại khi dự báo tăng đến 8,8% năm 2016, 7% năm 2017 và lạm phát dưới 6% chỉ vào năm 2018. Thu nhập thực tế của người dân Nga tiếp tục giảm khiến kim ngạch bán lẻ giảm sút.
Trong khi đó, theo Cơ quan Thống kê quốc gia Nga (Rosstat), nền kinh tế Nga đã sụt giảm 4,1% trong quý III vừa qua. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Nga có thể suy giảm 3,8% trong năm 2015. Tỷ lệ đói nghèo ở nước này hiện đã tăng lên 15,1%, tức là có 21,7 triệu người dân Nga đang sống ở mức đói nghèo do giá lương thực, thực phẩm tăng cao. Thậm chí tại một số khu vực của Nga, có đến hơn 35% dân số đang sống trong đói nghèo.
Không chỉ Nga mà nhiều nước xuất khẩu dầu lửa khác cũng đang đối mặt với áp lực tài chính. Trong số đó, Venezuela được xem là quốc gia dễ tổn thương nhất khi nền kinh tế không được đa dạng hóa và nguy cơ bất ổn chính trị cao. Các tính toán gần đây cho biết, doanh thu từ dầu chiếm khoảng 95% kim ngạch xuất khẩu và ngành dầu khí chiếm khoảng 25% GDP của đất nước sản sinh ra nhiều hoa hậu. Trong khi đó, hai tháng 10 và 11-2015, Venezuela phải trả 4 tỷ USD nợ đáo hạn gồm cả nợ của Chính phủ và nợ của Công ty Dầu lửa quốc doanh Petróleos de Venezuela (PDVSA). Giữa lúc ngoại hối đang chạm đáy, nguy cơ vỡ nợ của Venezuela ngày càng rõ khi Caracas phải chật vật đương đầu với lệnh trừng phạt của Mỹ cùng với suy thoái kinh tế và siêu lạm phát.
Để đối phó với tốc độ sụt giảm nhanh chóng của giá dầu, các nước coi "vàng đen" là "chủ lực" đã đưa ra nhiều biện pháp đối phó như đa dạng nền kinh tế. Thế nhưng, đây lại là chính sách dài hạn. Trong khi đó, về ngắn hạn và trung hạn, tác động của giá dầu xuống dốc chưa thấy điểm dừng chắc chắn sẽ khiến những cường quốc xuất khẩu dầu và các chính phủ trông chờ vào dầu thô để bù đắp ngân sách phải lao đao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.