(HNM) - Sau Tết Nguyên đán, dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát mạnh và ngày càng phức tạp; tại các tỉnh phía Nam đã có 2 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tình hình buôn bán gia cầm không qua kiểm dịch vẫn diễn ra công khai, tràn lan.
Gia cầm được chuyển từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh. |
Tình trạng buôn bán gia cầm số lượng lớn chủ yếu diễn ra tại vùng ven, với nhiều "điểm nóng" như tuyến quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), khu vực cầu Trường Đai (quận Gò Vấp), Chợ Cầu, cầu Tham Lương (quận 12), đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức). Gia cầm chưa qua kiểm dịch vận chuyển vào TP chủ yếu từ các tỉnh miền Tây.
Khu vực ngã tư "4 xã" (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) có rất nhiều điểm bán gia cầm lậu, giết mổ tại chỗ bên lề đường. Tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, đường Dương Công Khi (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), gà vịt chưa qua kiểm dịch cũng bày bán công khai. Tình trạng buôn bán gia cầm lậu trên cầu vượt Tham Lương (quận 12) cũng đông đúc, nhộn nhịp không kém thời điểm chưa có cảnh báo dịch. Tìm hiểu, được biết nguyên nhân chính giúp các điểm này hoạt động tấp nập là do gia cầm ở đây rẻ hơn 15-20 nghìn đồng/kg so với gia cầm đã qua kiểm dịch.
Một người bán gia cầm trên cầu vượt Tham Lương nói: "Chú mua nhiều hay ít? Loại thả vườn hay công nghiệp? Mấy hôm nay nghe có dịch nhưng gà của chị khỏe thế này, cứ an tâm nhé. Chỗ chị mỗi ngày bán cả gần tạ gà ấy chứ". Khi được hỏi về dịch cúm gia cầm, hầu như những người mua hàng đều khẳng định "có nghe qua nhưng ở mãi tận ngoài Bắc, miền Tây chứ chưa nghe vô tới TP". Người mua cũng như người bán đều mơ hồ về nguồn gốc gia cầm, còn đã qua kiểm dịch hay chưa thì cũng "không biết".
Thống kê từ Chi cục Thú y, hiện toàn TP có 150 điểm mua bán gia cầm sống không có giấy phép. Tuy nhiên, thực tế thì các điểm bán gia cầm lậu cao hơn gấp nhiều lần, bởi trên địa bàn TP, đặc biệt tại các chợ tự phát bên lề đường, nhất là các quận, huyện vùng ven, có vô số điểm bán gia cầm nhỏ lẻ, chưa thể kiểm soát được. Đoàn kiểm tra liên ngành đã ghi nhận số lượng vụ việc vi phạm tăng hơn so với năm trước. Từ đầu năm 2012 đến nay, đoàn kiểm tra đã xử lý tiêu hủy 8.793 gà, vịt, chim còn sống và đã giết mổ, 38.111 quả trứng vịt, gà, chim cút…
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, nhận định: Cúm gia cầm đã bắt đầu quay trở lại nhưng việc vận chuyển, giết mổ gia cầm diễn biến ngày càng phức tạp. Hiện tại 4 cửa ngõ của TP có trạm kiểm dịnh động vật là trạm quận Thủ Đức, khu vực An Lạc, đường đi Tây Ninh và Nhà Bè. Tuy nhiên, số lượng "lọt lưới" vẫn nhiều hơn số được kiểm dịnh. Nhiều người đi buôn còn liều lĩnh ném đá vào xe đoàn kiểm tra liên ngành. Thậm chí, một số điểm giết mổ còn cho phụ nữ ra… ôm lực lượng chức năng để đối tượng khác xông vào cướp lại gà, vịt bị tịch thu".
Mặc dù cơ quan chức năng hoạt động khá tích cực, nhưng do những điểm bán, giết mổ gia cầm lậu liên tục thay đổi vị trí nên công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khăn, nhiều lúc như "bắt cóc bỏ đĩa" vì khi lực lượng chức năng vừa đi khuất thì gia cầm lại bày bán trở lại trong các chợ tự phát hoặc bên lề đường.
TS Lê Hoàng San, Viện phó Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, cảnh báo: "Cúm gia cầm đang lưu hành trên diện rộng trong lúc ý thức của người dân còn hạn chế, đặc biệt là cơ chế lây truyền của cúm gia cầm sang người vẫn chưa rõ, vì vậy nguy cơ xuất hiện dịch cúm A/H5N1 trên người rất cao. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, người dân cần tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, phải mua gia cầm đã được kiểm dịch. Đặc biệt là cần tuyệt đối thực hiện "ăn chín, uống sôi"; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm; không vận chuyển, giết mổ gia cầm mắc bệnh".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.